Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Một số thông tin về thị trường trái cây
07 | 10 | 2019
Mỹ tăng nhập khẩu xoài, Châu Âu tăng nhập khẩu dứa và bơ…
Xoài nhập khẩu vào Mỹ tăng đều
Nhập khẩu xoài vào Mỹ tăng mạnh, chủ yếu từ Mỹ Latinh, do sản lượng trong nước hạn chế. Trong 9 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập 95 triệu thùng xoài Mỹ Latinh. Trong đó, nhập khẩu từ Mexico nhiều nhất với 80 triệu thùng, tiếp đến là Ecuador trên 12 triệu thùng, Peru 12 triệu thùng, Brazil 8,5 triệu thùng và Haiti 2 triệu thùng. Mặc dù sản lượng của Haiti thấp hơn so với một số quốc gia đang phát triển khác nhưng sản lượng năm nay của quốc gia này đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, mùa thu hoạch ở Brazil và Ecuador bị chậm lại do thời tiết xấu. Ecuador bắt đầu mùa xoài từ khoảng giữa tháng 9. Trong khi đó, các nhà đóng gói và xuất khẩu ở Brazil đang tích cực làm việc để bù đắp cho sự chậm trễ.
Trong 5 năm qua, xuất khẩu xoài từ Mexico, Ecuador, Peru, Brazil, Guatemala, Haiti và Nicaragua sang Mỹ đã tăng khoảng 13%. Trong 15 năm qua, tổng khối lượng nhập khẩu đã tăng hơn 87% và kim ngạch nhập khẩu (FOB) tăng hơn 120% với tiêu thụ trên đầu người đã tăng hơn 68%.
Chuối ở Trung Quốc tăng giá
Trong nửa đầu tháng 9/2019, giá chuối tại các vùng sản xuất Trung Quốc biến động mạnh, ban đầu tăng sau đó giảm xuống, và hiện đang dần ổn định. Lý do giá tăng vào đầu tháng 9 là bởi nhu cầu mạnh lên trong dịp Tết Trung thu. Còn sau đó giá giảm là bởi nguồn cung nhiều lên. Hiện giá ở cả các khu vực sản xuất cũng như tiêu thụ chủ chốt đều tương đối ổn định và không chênh nhau nhiều. Dự kiến giá sẽ vững cho tới dịp Quốc khánh, vào đầu tháng 10 tới.
Dứa được tiêu thụ mạnh tại Châu Âu
Năm 2018, Liên minh Châu Âu (EU) đã nhập khẩu 1 triệu tấn dứa. Hà Lan và Bỉ là 2 nước nhập khẩu và phân phối nhiều dứa nhất trong khối EU. Từ 2012 đến 2018, các nước nhập khẩu lớn là Tây Ban Nha, Anh và Italya. Nhập khẩu dứa vào Italia trong khoảng thời gian đó tăng từ 104.800 tấn lên 165.400 tấn với giá trị khoảng 103 triệu euro.
Ở Italya, dứa chủ yếu được tiêu thụ tại các khu vực phía Bắc, đặc biệt là vùng Bologna. Giá dứa không thay đổi đáng kể trong 3 tháng đầu năm nay, giá bán buôn dao động trong khoảng 0,70 đến 0,80 EUR/kg. Trong tháng 4 và 5, giá tăng lên đến 1 EUR/kg. Sang tháng 6 và 7, giá tiếp tục tăng lên 1,2 EUR/kg do cung khan, cầu tăng.
Táo giảm giá tại Trung Quốc
Táo Fuji chín sớm từ Thiểm Tây đang được đưa vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn. Do chất lượng và kích cỡ khác nhau nên giá cả chênh lệch nhiều. Trong khi giá tương đối cao ở phía Bắc Thiểm Tây và nhiều người tích cực mua thì giá ở Weinan và Tongchuan đã giảm nhẹ. Người mua có khả năng sẽ trả giá thấp hơn đối với các sản phẩm chất lượng trung bình hoặc thấp. Nguyên nhân chính khiến giá táo giảm là do diện tích trồng quá nhiều và sản lượng tăng nhanh. Nhập khẩu không ngừng tăng càng góp phần gây áp lực lên thị trường nội địa. Doanh số bán trái cây cao cấp giảm mạnh. Một số lượng lớn kho lạnh đã được xây dựng trong các khu vực sản xuất táo, đẩy chi phí sản xuất tăng cao, 0,5 kg táo khi thu mua giá chỉ 1 CNT nhưng cộng cả chi phí lưu kho lên tới 1,8 CNY.
Bơ đem lại kim ngạch xuất khẩu tăng cho Peru
Báo cáo mới nhất về thị trường bơ của công ty tư vấn Maximixe cho thấy xuất khẩu bơ và các sản phẩm bơ trong năm 2019 của Peru dự báo sẽ tăng 8,5%, thu về 853 triệu USD, do nhu cầu bơ tươi ở các thị trường Hà Lan, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Anh và Trung Quốc tăng mạnh.
Trong năm 2018, xuất khẩu bơ và các sản phẩm bơ đạt kim ngạch 786 triệu USD; khối lượng đạt 375.000 tấn, tăng 28,5% về giá trị và 48,7% về khối lượng so với năm trước. Sự chênh lệch giữa khối lượng và giá trị này được giải thích là do giá xuất khẩu trung bình sang Châu Âu giảm 14% bởi tình trạng dư cung từ Peru và Nam Phi. Xuất khẩu bơ tươi lên tới 455 triệu USD trong nửa đầu năm 2019, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.


Báo cáo phân tích thị trường