Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá tăng khiến xuất khẩu chè tăng đến 16,7% về giá trị trong 9 tháng
03 | 10 | 2019
Các thị trường chủ chốt đều tăng trưởng, giá xuất khẩu bình quân tăng đã kéo giá trị xuất khẩu chè 9 tháng đầu năm lên con số 165 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kì năm 2018.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong tháng 9/2019, thị trường chè nguyên liệu trong nước nhìn chung ổn định, không có biến động nhiều.

Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giữ mức 200.000 đồng/kg, chè xanh búp khô là 105.000 đ/kg. Tại Lâm Đồng, giá chè cành và chè hạt tăng nhẹ 100 đồng/kg lên tương ứng mức 8.600 đồng/kg và 7.200 đồng/kg.

Theo đó 9 tháng đầu năm, thị trường chè trong nước không nhiều biến động do nguồn cung ổn định, đủ để cung cấp dù vào cao điểm như dịp Tết cổ truyền. Do đó, tình hình xuất chè xuất khẩu của Việt Nam đến nay cũng tương đối thuận lợi, xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt đều tăng trưởng, giá chè xuất khẩu bình quân tăng so với cùng kì năm ngoái.

Trong đó, khối lượng xuất khẩu chè tháng 9/2019 ước đạt 12.000 tấn với giá trị đạt 20 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 94.000 tấn và 165 triệu USD, tăng 2,4% về khối lượng và tăng 16,7% về giá trị so với cùng kì năm 2018. 

Giá chè xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1.778 USD/tấn, tăng 8,5%.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc và Nga tiếp tục là 4 thị trường chính của chè Việt Nam, chiếm đến 71% kim ngạch xuất khẩu chè, với tổng giá trị chè xuất khẩu sang các thị trường này đạt 103,7 triệu USD, tăng 14%.

Tuy nhiên, xuất khẩu chè lại có sự biến động không đồng nhất giữa các thị trường. Trong khi giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường Pakistan, Đài Loan và Trung Quốc đều tăng, xuất khẩu sang Nga lại giảm mạnh.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu chè sang Nga đạt 8.900 tấn, tương đương 13,3 triệu USD, giảm khoảng 14% về cả lượng và giá trị so với cùng kì năm 2018. 

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng trưởng kinh tế Nga đã ở dưới mức trung bình toàn cầu trong vài năm qua, do cuộc khủng hoảng tài chính Nga từ năm 2014 và bị cấm vận kinh tế từ phương Tây. Mặc dù Nga đang dần thoát khỏi suy thoái nhưng người tiêu dùng Nga vẫn có xu hướng hướng tới các sản phẩm chè giá trung bình, thay vì các loại cao cấp. 

Cụ thể, giá trị nhập khẩu chè của Nga đã giảm liên tục từ năm 2014 đến nay, với tốc độ giảm trung bình hàng năm khoảng 5%/năm. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng nhập khẩu chè của Nga đã giảm 12,7% về lượng và giảm 17,4% so với cùng kì năm 2018.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường