Tại phiên chất và trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV diễn ra ngày 23/7, các đại biểu cho rằng các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong phát triển vùng nguyên liệu, tạo nên thương hiệu chè Lai Châu, cũng như tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, việc tranh mua, tranh bán thời gian qua đang làm phá vỡ vùng nguyên liệu và gây ảnh hưởng tới thương hiệu chè của địa phương.
|
Việc tranh mua, tranh bán thời gian qua đang làm phá vỡ vùng nguyên liệu chè và gây ảnh hưởng tới thương hiệu chè của Lai Châu. |
Ông Nguyễn Xuân Thức, đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu cho rằng, hiện nay, cây chè đang được tỉnh Lai Châu xác định là sản phẩm chủ lực, đã được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 7.000 ha chè ở 6 huyện, thành phố, trên 10 doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến đang hoạt động.
Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao đang phát huy hiệu quả thiết thực, tạo nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tham gia tích cực trong xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện cơ sở thu mua, chế biến gây cạnh tranh không lành mạnh; tình trạng tranh mua chè búp tươi nguyên liệu, giá mua chưa có sự thống nhất, nơi cao, nơi thấp; liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu vai trò của nhà nước; việc thực hiện các quy định về đảm bảo chất lượng của người dân chưa triệt để, đang gây ảnh hưởng đến thương hiệu chè, đề án vùng chè tập trung chất lượng cao của tỉnh....
Về vấn đề này, ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, số doanh nghiệp được phân vùng nguyên liệu chưa ký kết hợp đồng với toàn bộ các hộ trong vùng nguyên liệu của mình.
Dẫn đến các hộ chưa ký hợp đồng có quyền bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp khác. Cùng với đó, tỉnh chưa có chính sách liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nên thiếu sự ràng buộc giữa doanh nghiệp và người dân, dẫn đến dễ phá vỡ hợp đồng.
Bên cạnh đó, một số hộ gia đình đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên các doanh nghiệp không mua. Có thời điểm, do doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn nên chưa kịp thời trả kinh phí cho các hộ, dẫn đến hợp đồng của người dân trồng chè và công ty, doanh nghiệp thu mua thiếu bền vững, dễ bị các doanh nghiệp khác thuyết phục phá vỡ hợp đồng.
Để xảy ra tình trạng trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước hết là do chính quyền địa phương chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc tuyên truyền, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các tổ chức, doanh nghiệp với nông dân; giữa doanh nghiệp và người dân cũng không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và các địa phương chưa sâu sát, quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mới hoạt động; riêng cơ quan chức năng thì chưa kịp thời tham mưu ban hành chính sách liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cùng các Sở, ngành có liên quan và các địa phương tham mưu đề xuất giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp; đồng thời đề xuất UBND tỉnh xem xét sửa đổi cơ chế quản lý vùng nguyên liệu cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Chính sách liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ nông dân trồng chè liên kết bền vững.
VOV.VN