Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơn sốt matcha có cứu được ngành chè Nhật Bản?
29 | 08 | 2019
Tại cửa hàng trà của Shigehiko Suzuki ở thành phố Fujieda miền trung Nhật Bản, khách hàng vào ra nườm nượp nhưng chủ yếu mua hay nếm thử các món bánh hoặc kem Ý hương vị matcha thay vì muốn nhấp ngụm trà pha truyền thống.
Thu hoạch trà xanh ở Fujieda, quận Shizuoka.

Công ty của Suzuki là Marushichi Seicha bắt đầu sản xuất bột matcha trà xanh lần đầu tiên từ năm 1998. Chưa đầy 20 năm sau, công ty đã mở rộng thị trường sang Mỹ, châu Âu, châu Phi, khắp châu Á và vùng Trung Đông, với số lượng xuất khẩu hàng năm lên tới 30 tấn. “Nhu cầu mua matcha rất lớn và tăng không ngừng, họ mua để làm kem, món khai vị và cả cà phê”, Suzuki nói.

Nhật Bản hiện xuất khẩu hơn 5.000 tấn trà xanh mỗi năm, chủ yếu tới Mỹ. Nhưng ngay ở trong nước, nhu cầu trà xanh giảm đi trông thấy. Năm 2011, số liệu thống kê cho hay bình quân mỗi hộ mua  1,174kg nhưng sang năm 2015 thì giảm còn 0,844kg. Suzuki cho rằng đó là do xu hướng phương Tây hóa.

“Số người Nhật thường uống trà đã giảm đi trong thấy, thay vào đó họ có nhiều lựa chọn từ ê hề các loại đồ uống khác, trà không còn bán chạy được như trước”, Suzuki nói.

Theo truyền thống, người Nhật dùng trà xanh lẫn với cơm, nhưng xu hướng ăn kiêng phổ biến đã làm cho bữa ăn hàng ngày ngày một ít phụ thuộc vào gạo. Đón bắt điều này Suzuki đã nghĩ đến cách đưa vị matcha vào các loại kem và điều đó đem đến thành không ngoài mong đợi cho ông. Chỉ ít lâu sau, ông đã đủ lực mở thêm 2 cửa hàng ở Tokyo và Kyodo.

Giá lá trà xanh matcha ở Nhật hiện vào khoảng 3.100 yen/kg, tương đương 30 USD. Trong khi loại lá trà sencha dùng phổ biến pha trà uống truyền thống chỉ có 1.400 yen. Yoshio Shoji, một người trồng chè đã 67 tuổi vẫn còn là lao động chính trong gia đình. Ông nói rằng ở làng ông người cao tuổi nhất vẫn phải đi hái lá chè là 80 tuổi. “Không mấy ai muốn theo nghề này vì giá chẳng cao mà việc lại cực”, ông Shoji nói.

Loại trà sencha hiện chiếm hơn một nửa tổng sản lượng ngành chè là 80.242 tấn hàng năm. Loài trà matcha chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, khoảng 3,3% nhưng nay đang tăng trưởng rất tốt.

Thực tế là người uống trà ngày một già và ít đi trong xu thế tiêu dùng. “Tôi nghĩ chỉ có người gia vẫn dùng trà hàng ngày, càng trẻ thì họ càng chuyển sang cà phê”, Suzuki nhận xét. Suzuki nhận rằng, trách nhiệm của người thế hệ như ông là phải bảo vệ giá trị truyền thống của chè.

Nhiều phòng trà đang nỗ lực hiện đại hóa phong cách dịch vụ cũng như sản phẩm để thu hút giới trẻ. Yuka Ihara, phụ trách cửa hàng trà ở Tokyo cho biết ông không chỉ liên tục nghĩ ra các cách phục vụ mới lạ mà còn phải đưa ra được các món đồ mới liên quan đến chè. Mikito Tanimoto, ông chủ của Tokyo Saryo khẳng định, hệ thống của ông đủ sức xóa bỏ định kiến về trà như một thức uống cũ kỹ, cổ hủ không hợp gu thời thượng.

“Người Nhật khiến cả thế giới biết đến trà đạo và áo kimono của họ, nhưng ngay ở nhà người trồng chè đang ngày càng khó khăn hơn”, ông chủ Stephane Danton người Pháp của một cửa hàng trà ở Tokyo nhận xét. Danton đang xoay xở để đưa hương vị nhiều loại trái cây vào trà, như xoài, mận... để làm giảm vị chát của chè và cũng để định hình một xu hướng thưởng thức mới.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường