Khó cả đầu vào - đầu ra
Bài toán lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là sự liên kết trong chuỗi giá trị rất kém cùng với công nghệ lạc hậu, tỷ lệ cơ giới hóa thấp và đây là bài toán con gà - quả trứng.
Trong đó, ngành phân bón thuộc đầu vào của chuỗi giá trị, cũng chịu chung tình trạng cạnh tranh cao, đang chuyển tiếp lên dòng sản phẩm chất lượng hơn và sạch hơn là phân hữu cơ và NPK sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, nhưng việc giáo dục người tiêu dùng cùng với việc đầu tư một cách bài bản để có được lợi thế về mặt quy mô đang là rào cản đáng cân nhắc cho các quyết định đầu tư này.
Cần nhìn chuỗi phát triển ngành phân bón từ những doanh nghiệp đầu ngành để hiểu rõ hơn các vấn đề cũng như giải pháp.
Do than có chi phí sản xuất luôn ở mức cao, công nghệ khai thác còn kém nên phân ure chủ yếu được sản xuất từ khí thiên nhiên.
Hiện PV GAS đại diện cho PVN ký kết hợp đồng cung cấp khí thiên nhiên cho DPM và DCM. Tuy nhiên, hợp đồng giá khí được quy định theo công thức neo theo giá dầu FO trên thị trường thế giới và kèm theo chi phí vận chuyển khí đang tăng dần qua các năm.
Nếu giá dầu tăng làm tăng chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp khí điện đạm và ngược lại. Đối với phân NPK, có ba phương pháp sản xuất chính: đào trộn thô, phối trộn tạo hạt và hóa học.
Hai phương pháp đầu dùng nguyên liệu chính là phân đơn, bao gồm phân ure (N), phân lân (P), phân DAP...
Còn phương pháp hóa học là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay sử dụng các chất hóa học như NH3, H3PO4… và chỉ có DPM đang dùng. Như vậy, sự biến động giá thành sản phẩm phân đơn trong nước và nhập khẩu là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất NPK là BFC và LAS.
Thứ hai, các sản phẩm phân bón trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của hàng nhập khẩu, chủ yếu đến từ các nước như Trung Quốc, Nga, Indonesia, Malaysia… do lợi thế công nghệ sản xuất, và đa phần là các nước thuộc khối ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định ATIGA.
Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp bán buôn, thương mại góp phần tạo cơ hội khó khăn thêm cho ngành khi so sánh mặt bằng giá các nước thì rõ ràng nhập khẩu để bán sẽ có lợi nhuận nhiều hơn so với mua sản phẩm trong nước.
Thứ ba, giá cả các mặt hàng nông sản cũng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ phân bón của người nông dân. Trong đó, yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đó là khí hậu, mùa vụ.
Nếu như thời tiết mưa nhiều hoặc hạn hán gây ảnh hưởng đến các cây trồng qua việc không hấp thụ được lượng phân bón. Để cải thiện điều này, liên quan tới cả đầu vào là việc tiếp cận, sử dụng những giống cây trồng tốt cùng với các loại phân tốt và đầu ra là sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, chất lượng cao.
|
Chi phí bán hàng/Doanh thu thuần. Nguồn: BCTC các công ty. |
Lối thoát nào?
Tóm lại, các doanh nghiệp ngành phân bón đối mặt với hai bài toán đầu vào và đầu ra đều không kiểm soát được.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nhu cầu thực phẩm trong tương lai là hiện hữu để thúc đây ngành phân bón phát triển trở lại.
Hiện nay, Top 10 quốc gia tiêu thụ phân bón lớn nhất chiếm 73% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu nằm ở khu vực Đông Á. Các loại rủi ro khác như rủi ro thị trường, giá bán sản phẩm, rủi ro nguyên liệu đầu vào, rủi ro tái cấu trúc, vận hành… đều được các doanh nghiệp liệt kê đầy đủ.
Tuy nhiên, giải pháp khắc phục chưa rõ nét và vẫn tập trung vào câu chuyện làm sao tiết giảm thêm các loại chi phí vận hành như chi phí bán hàng, vận chuyển.
|
Giá phân bón nội địa và nhập khẩu tại thị trường HCM. |
Chẳng hạn, DCM bằng cách chú trọng đầu tư vào hệ thống logistic như cảng nhập khẩu nguyên liệu công suất 500.000 tấn giúp tăng năng suất trữ hàng, nhanh chóng tổ chức đưa kịp thời, đủ hàng đến thị trường tiêu thụ trong các mùa vụ cao điểm, giảm chi phí vận chuyển, lưu kho.
Hay Phân bón Bình Điền (BFC) đã tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng thông qua việc đặt hẳn 5 nhà máy của mình gần các vùng đồng bằng chính.
Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng của các nước phát triển, điều này khiến việc sử dụng phân bón chất lượng cao, hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, sử dụng tiết kiệm và không gây ô nhiễm cho môi trường được coi trọng hơn.
Trong vài năm gần đây, sản xuất phân bón hữu cơ tại Việt Nam bắt đầu tăng nhanh chóng. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành là 2.487 sản phẩm, gấp 3,5 lần so với tháng 12/2017.
Cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ được cấp phép, cao gấp 1,47 lần so với cuối năm 2017, sản lượng phân bón hữu cơ cả nước đạt 1,19 triệu tấn, cao hơn tổng sản lượng cả năm 2017 là 1,07 triệu tấn.
Việc xuất khẩu cũng tăng trưởng nhanh chóng, chủ yếu qua các nước có nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao như Singapore, Malaysia, Indonesia…
Xu thế là hiện hữu, tuy nhiên các doanh nghiệp phân bón đầu ngành dường như chưa chú trọng tới việc đầu tư mạnh vào phân hữu cơ.
Trong năm 2018, DPM đã đưa vào sử dụng dây chuyền nâng cấp sản lượng NH3 và nhà máy sản xuất phân NPK theo phương pháp hóa học với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Mặc dù là công nghệ sản xuất NPK hiện đại tạo ra chất lượng phân bón cao, tuy nhiên nguyên liệu đầu vào đều phụ thuộc vào sự biến động của giá khí thiên nhiên, quặng bồ tạt và đá phosphate trên thế giới, đồng thời gây ô nhiễm cho đất trồng.
Bài toán rõ ràng nhất khiến các doanh nghiệp lớn suy nghĩ là tính kinh tế của việc làm phân bón hữu cơ vì hiện nay, thị trường đầu ra cũng hạn chế, người dân gặp khó khăn trong thực hành trồng sản phẩm hữu cơ từ khâu chọn đất trồng, chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến việc chưa có quy định cụ thể về chứng nhận thực phẩm sau khi xử lý là hữu cơ tại Việt Nam, người tiêu dùng cuối lại khó khăn để tìm sản phẩm hữu cơ, cần áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, việc xuất khẩu bảo hộ thương hiệu tốn kém.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại tiềm năng của phân bón hữu cơ là khổng lồ với hàng trăm triệu tấn nguyên liệu sản xuất, khoảng hơn 117.000 ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản hữu cơ (0,5% diện tích đất nông nghiệp), Chính phủ đã hoàn thiện được các thiết chế hạ tầng bao gồm từ Luật Trồng trọt, Nghị định hữu cơ 109, Nghị định phân bón 108 định hướng rất rõ khuyến khích phát triển ứng dụng phân bón hữu cơ.
Như vậy, phân bón hữu cơ có thể là giải pháp ban đầu cho các doanh nghiệp phân bón Việt Nam thực hiện trên quy mô nhỏ, làm từng bước thăm dò.
Một số những doanh nghiệp nhỏ hơn như Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Sông Gianh… đã vươn lên hợp tác với nhiều địa phương để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Có thể xem việc các doanh nghiệp phân bón đầu tư phân hữu cơ giống như các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đầu tư vào thương mại điện tử. Mặc dù tỷ trọng kênh bán hàng online vẫn thấp, nhưng đây là xu thế phát triển, khi quy mô, mức độ cạnh tranh là rào cản thì việc bán hàng qua các kênh khác là một giải pháp.
Các doanh nghiệp phân bón lớn cũng có thể làm tương tự như vậy, thay vì tập trung hoàn toàn vào mở rộng công suất phân bón vô cơ thì nên từng bước “bắn những phát đạn nhỏ”.
Ngoài ra, như đã đề cập, việc hợp nhất các doanh nghiệp lớn lại sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng nhiều hơn, song song phát triển sản phẩm hữu cơ có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh, trước đây PVN cũng đã lên phương án sáp nhập DPM và DCM.
Nhu cầu phân bón nước trong nước và thế giới đang chững lại, tình trạng dư cung tiếp tục diễn ra, chủ yếu đến từ sự thay đổi trong nhận thức người nông dân và người tiêu dùng nông sản, hướng về các mặt hàng chất lượng cao, an toàn sức khỏe như phân bón, nông sản hữu cơ.
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón gặp cũng gặp nhiều bất lợi do khó khăn chung của ngành, nhưng đồng thời bản thân các doanh nghiệp chưa thật sự quyết liệt trong xu hướng thay đổi, quản trị nội tại…
Bài toán dài hạn là việc thúc đẩy của Chính phủ liên kết giữa doanh nghiệp, thương lái, hợp tác xã, người nông dân, người tiêu dùng và cả sự tích cực của các cơ quan truyền thông…, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững hơn, để có thể là ngành chủ lực đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tin nhanh chứng khoán