Hương vị thơm ngon
Trò chuyện với phóng viên Báo Nông thôn ngày nay về việc xây dựng thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai, gắn với thực hiện Kế hoạch chỉ đạo điểm Chương trình OCOP của tỉnh Lâm Đồng năm 2019 ông Phạm Quang Chiến – Phó Phòng NNPTNT huyện Đạ Huoai phấn khởi cho biết: “Trước những yêu cầu từ thực tiễn, Huyện ủy đã xúc tiến xây dựng quy trình chứng nhận nhãn hiệu độc quyền sầu riêng Đạ Huoai. Sau khi kiểm tra, thẩm định, ngày 22/6/2016, nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận".
Ông Chiến cũng cho biết, được mệnh danh là “thủ phủ sầu riêng" ở Tây Nguyên, huyện Đạ Huoai thuộc vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng, có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi làm nên hương vị đặc trưng của sầu riêng nơi đây. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây này mang lại, năm 2001, Huyện ủy huyện Đạ Huoai đã ban hành Đề án chuyển đổi vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh, dần thay thế những diện tích đã trồng sầu riêng hạt sang trồng các giống ghép cho năng suất chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây sầu riêng. Nhờ đó, năng suất, chất lượng của sầu riêng Đạ Huoai được nâng cao và ngày càng mang tính cạnh tranh trên thị trường. Đến tháng 9/2019, tổng diện tích sầu riêng tại huyện Đạ Huoai lên đến hơn 3.000 ha. Năng suất cây sầu riêng bình quân toàn huyện đạt hơn 10 tấn/ha. Tổng sản lượng đạt hơn 22.000 tấn/1.917ha diện tích thu hoạch (sản lượng tăng 17,6% so với năm 2018).
Công việc dài hơi
Xác định việc phát triển thương hiệu là công việc dài hơi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp triển khai thực hiện chuỗi liên kết sản xuất năm 2019. Hiện trên toàn huyện đã xây dựng được HTX sản xuất và chế biến nông sản Đạ Huoai với thương hiệu sầu riêng Minh Hoàng Khôi có tiếng trên thị trường. HTX có 10 thành viên cùng hơn 15ha sầu riêng kinh doanh, mỗi năm sản xuất được từ 20 – 30 tấn sầu riêng múi.
Ông Phan Văn Dược – Giám đốc HTX sản xuất và chế biến nông sản Đạ Huoai cho biết, với 10 thành viên cùng 15ha sầu riêng kinh doanh, hiện sản phẩm sầu riêng đông lạnh của anh không đủ cung cấp cho thị trường. Sắp tới anh Dược sẽ tìm hướng đi mới bằng cách sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ và sinh học để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, anh cũng mong muốn địa phương hỗ trợ, giúp đỡ để mở rộng cũng như hoàn thiện hệ thống sản xuất sản phẩm sầu riêng cấp đông của mình.
Hiện, huyện Đạ Huoai đang tích cực hướng dẫn người dân đăng ký có nhu cầu hỗ trợ, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc “Sầu riêng Đạ Huoai". Trong năm 2019, kết quả triển khai có 225 hộ tham gia đăng ký hơn 315ha sầu riêng kinh doanh. Tổng số lượng tem đã cấp cho nông dân là 822.000 tem. Trong đó, số tem truy xuất đã được các tổ hợp tác, HTX cấp về cho các thành viên sử dụng là hơn 13.000 tem/12 hộ.
Nói về việc xây dựng thương hiệu hai sản phẩm là sầu riêng và hạt điều để trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh, ông Chiến cho biết: “Hiện nay, huyện Đạ Huoai đang giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho các hộ dân, HTX sản xuất hai sản phẩm trên hoàn thành hồ sơ tham gia OCOP cấp tỉnh".
Hiện, với tổng diện tích trên 8.000ha điều (diện tích thu hoạch niên vụ 2018 – 2019 là gần 7.400ha) đã cho sản lượng bình quân toàn huyện khoảng 750kg/ha (trong đó, điều ghép đạt khoảng 800kg/ha, điều hạt đạt khoảng 700kg/ha). Ngoài ra, Phòng nông nghiệp huyện Đạ Huoai đã hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sử dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại và tăng năng suất trong niên vụ 2019 – 2020.
Văn Long - Phạm Ly
Nguồn: Báo NNVN