Giá 2 sàn cà phê kỳ hạn đi “tréo cẳng ngỗng”
Người kinh doanh cà phê trong và ngoài nước không khỏi ngạc nhiên với các động thái về giá trên 2 sàn cà phê. Trải qua thời gian dài dễ đã 5 năm, giá cà phê trên 2 sàn kỳ hạn luôn tìm chiều đi xuống.
Tuy nhiên, với giá arabica New York, từ khi bắt đầu niên vụ 2019-2020 đến nay, nhà đầu tư trên sàn đã lấy lại những gì đã mất.
Nếu như những ngày đầu niên vụ, giá sàn này ở mức 95,80 xu/cân Anh (cts/lb), thì mới đây có lúc chạm 142,45 cts/lb, tăng 46,65 cts/lb tương đương với 1.028 đô la Mỹ/tấn. Sau một năm, nhà đầu tư trên sàn arabica đã hưởng lợi suất dương 11%.
Trong khi đó, tại sàn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng làm tham chiếu, giá vẫn ì ạch.
So sánh trong cùng giai đoạn như sàn arabica, giá robusta London từ 1.234 đô la/tấn thì ngày 20-12 đóng cửa chỉ dừng tại 1.374 đô la dù có lúc chạm đỉnh 1.479 đô la.
Nhưng trong mấy ngày qua trước kỳ lễ Giáng Sinh, từ đỉnh ấy, London mất lại hơn 100 đô la/tấn. Lợi suất đầu tư trên sàn này sau một năm vẫn còn âm gần 16%, còn tính từ 3 năm giảm trên 36%.
Giá cà phê tại các vùng nguyên liệu ở Việt Nam hiện nằm trong vùng thấp, chừng 32-33 triệu đồng/tấn, mất hơn 20 triệu đồng/tấn so với đỉnh.
Dù xuất khẩu cả năm 2019 giảm về số lượng, giá trị xuất khẩu giảm mạnh hơn. Tính đến hết tháng 11-2019, cả nước ước xuất khẩu chừng 24,5 triệu bao cà phê (60 kg/bao), giảm 15% so với cùng kỳ ngoái.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê năm nay có thể không chạm ngưỡng 3 tỉ đô la Mỹ như vài năm trước đây vì đến hết tháng 11-2019 chỉ đạt 2,52 tỉ đô la, giảm 22,5% so với cùng kỳ.
Tại sao giá arabica tăng mà không phải robusta?
Trước đây, hai sàn cà phê thường đi sánh đôi, tăng cùng tăng giảm cùng giảm. Mỗi khi giá sàn arabica tăng, thường kéo robusta lên, và ngược lại. Nhưng từ đầu tháng 10-2019 đến nay, giá arabica New York lên một lèo, giá robusta chỉ lẽo đẽo. Có rất nhiều cách giải thích về tình huống tréo ngoe này.
Về cung cầu, năm nay Brazil mất mùa arabica do cây cà phê này tại đó đi vào chu kỳ năm mất của mỗi vòng 2 năm. Mặt khác, Brazil đang phát triển mạnh cà phê robusta.
Báo cáo về tinh hình cung-cầu cà phê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ra tuần trước nói rõ điều này.
USDA ước sản lượng cà phê toàn cầu 2019-2020 đạt chừng 169,3 triệu bao (bao = 60 kg) so với nhu cầu tiêu thụ là 166,4 triệu bao. Báo cáo còn cho rằng Brazil mất mùa arabica và được mùa robusta.
Trong đó có 39,9 triệu bao arabica (-8,3 triệu bao) và robusta 18,1 triệu bao (+1,5 triệu bao). Việt Nam ước đạt 32,2 triệu bao và xuất khẩu chừng 25,5 triệu bao. Indonesia đạt chừng 10,7 triệu bao trong đó khoảng 9,5 triệu bao robusta.
Chỉ cần 3 nước sản xuất robusta lớn nhất kể trên, có thể đảm bảo cung ứng cho hơn 35% nhu cầu tiêu thụ robusta toàn cầu, tỷ lệ này trước đây chừng 25-30%.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào bức tranh cung-cầu thì có thể vẫn chưa thấy hết hoàn cảnh của thị trường cà phê.
Sàn arabica đóng tại New York, sàn robusta có trụ sở ở London.
Phản ứng với tình hình Brexit, trong một thời gian dài, các nhà đầu tư trên sàn London - dành riêng cho robusta – đã mất hứng nhiều.
Nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra, giới đầu tư xa dần sàn London. Đến nay, tình hình đã khá hơn, Brexit có thể thành hiện thực do đảng Bảo thủ của Thủ Tướng Boris Johnson đã giành thắng lợi.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa bảo đảm rằng đầu tư trên sàn robusta vẫn thuận lợi như trước. Kinh doanh trên sàn kỳ hạn cà phê không phải là vấn đề hàng hóa mà chính là khả năng thanh khoản, là dòng tiền và vốn.
Ngược lại, giá arabica liên tục tăng và nhiều người đoán còn tăng nữa. Cũng không hẳn do Brazil mất mùa mà giá New York tăng đến vậy.
Thật ra, tính từ cuối tháng 9-2019, khi phát hiện thị trường tài chính-ngân hàng thiếu thanh khoản, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất đồng đô la Mỹ, cung ứng vốn mạnh tay cho nền kinh tế. Fed đã lên kế hoạch ứng tiếp trên 400 tỉ đô la Mỹ để tạo lực thanh khoản cho thị trường tài chính đến đầu tháng 1-2020.
Đồng vốn dồi dào chạy quanh các sàn giao dịch tài chính Mỹ. Giá chứng khoán và hàng hóa thương phẩm tăng liên tục.
Dù robusta cũng là một trong các sàn hàng hóa dùng đồng đô la Mỹ làm phương tiện giao dịch, dòng vốn được Fed cung ứng vẫn chưa thể chảy ra ngoài phạm vi nước Mỹ để đến London.
Nếu lối giải thích này là xác đáng, có thể nói rằng thị trường cà phê đang bám mạnh vào dòng vốn trên thị trường. Đâu có tiền nhiều, nhu cầu mua của nhà đầu tư tài chính lớn chứ chưa chắc là xuất phát từ bản thân hột cà phê.