|
Nông dân ngày càng kém mặn mà với cây cà phê. Trong ảnh: Nông dân xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) thu hoạch cà phê. Ảnh: N.LIÊN |
Việt Nam hiện vẫn đứng nhất, nhì thế giới về xuất khẩu cà phê. Đây cũng là cây trồng thế mạnh được Đồng Nai tập trung phát triển trong đề án phát triển những cây trồng chủ lực trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nông dân Đồng Nai đã chặt bỏ hàng ngàn hécta cà phê để chuyển sang những cây trồng khác cho lợi nhuận tốt hơn.
* Nông dân chặt bỏ cà phê
Năm nay, cà phê cho năng suất cao, đạt 3,4-4 tấn/hécta nhưng nông dân lại e ngại phải đối mặt với vụ cà phê “đắng” vì loại nông sản này rớt giá ngay từ đầu vụ.
Ông Chí Nhịt Và, nông dân trồng cà phê tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, trước đây 2 hécta đất của gia đình ông chỉ chuyên trồng cà phê nhưng vài năm trước khi lợi nhuận từ cây cà phê ngày càng thấp, ông cho trồng xen canh với cây tiêu. Hiện nông dân ở vùng này đang bỏ cà phê chuyển sang trồng các loại cây khác.
“Nông dân trồng cà phê đang ngán ngẩm vì ngay từ đầu vụ, giá cà phê bán ra tại vườn dưới 30 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, 1 ngày công hái đã lên đến 200-230 ngàn đồng/kg, bằng 7-8 kg cà phê nên thu không đủ bù chi” - ông Và than thở.
|
Nông dân huyện Thống Nhất thu hoạch cà phê. Ảnh: B.Nguyên |
Vụ thu hoạch năm trước, giá cà phê thấp kéo dài nên ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) đã chặt bỏ gần 1 hécta cà phê vì giá bán thấp. Năm nay, giá cà phê bán ra còn thấp hơn nên ông Hùng quyết định chặt bỏ hết diện tích cà phê xen canh còn lại để cây sầu riêng phát triển. Ông Hùng cho biết: “Cà phê từng là cây trồng chủ lực của huyện Trảng Bom với diện tích rất lớn. Nhiều người có hàng chục năm gắn bó, từng khá giả lên nhờ cây trồng này. Nhưng đến nay, nhiều vùng cây cà phê hầu như bị xóa trắng”.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, hiện toàn tỉnh chỉ còn 13,2 ngàn hécta cà phê, giảm gần 4 ngàn hécta so với năm 2017.
* Lo mất vùng nguyên liệu
Cà phê là một trong những cây trồng thuộc tốp đầu được chọn triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn tại Đồng Nai. Ngay từ năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng cánh đồng lớn cà phê 4C tại 3 huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc với tổng diện tích trên 600 hécta do Tổng công ty Tín Nghĩa thực hiện với mục đích tạo ra những vùng chuyên canh cà phê với sản lượng hàng hóa lớn, đạt chất lượng cao nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nông dân tham gia cánh đồng lớn được hưởng một số chính sách ưu đãi, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm
Nhưng hiện nay, huyện Xuân Lộc đã xin rút khỏi dự án này. Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết, những năm gần đây, cà phê có giá thấp, một số vùng diện tích cà phê cũng già cỗi, kém năng suất nên nông dân chặt bỏ nhiều. Do diện tích vùng chuyên canh cà phê không đáp ứng được điều kiện phải có từ 50 hécta trở lên nên địa phương xin rút khỏi dự án cánh đồng lớn cà phê 4C. Nông dân bỏ cà phê chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như: sầu riêng, bưởi…
Không chỉ tại Xuân Lộc mà tại nhiều vùng chuyên canh khác, nông dân cũng không còn mặn mà với cây trồng này. Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Xuân Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm Chương trình Phát triển cà phê bền vững 4C theo chuẩn toàn cầu của Đồng Nai. Tuy nhiên hiện nay diện tích cà phê của vùng chuyên canh này cũng đang dần thu hẹp lại.
Ông Trần Quang Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Quế cho biết, cánh đồng lớn cà phê 4C có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nhưng sau đôi ba năm triển khai đã giảm khoảng 100 hécta. Hiện các xã viên chỉ giữ được hơn 200 hécta cà phê nhưng đều trồng xen canh cây ăn trái chứ không còn trồng thuần cà phê như trước. Nhiều hộ nông dân tham gia dự án vẫn đang tính chuyện tiếp tục chuyển sang cây trồng khác. “Trước đây vùng này chủ yếu trồng điều, cao su, cà phê. Nhưng nay hầu hết diện tích đều chuyển sang trồng bưởi, bơ, sầu riêng. Cả năm trời, 1 hécta cà phê chỉ đạt lợi nhuận đôi ba chục triệu đồng, mùa nào giá thấp nông dân phải bù lỗ nên họ đang chuyển dần sang những cây trồng khác cho lợi nhuận cao hơn” - ông Hiệp so sánh.
* Xuất khẩu gặp khó
Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong 10 tháng của năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 329,5 triệu USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết, từ nhiều tháng nay, xuất khẩu cà phê gặp khó khăn khi thị trường lớn là Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản bằng đường tiểu ngạch, các thị trường khác cũng đã bão hòa do trước đó tăng nhập khẩu. Hiện cà phê lại đang vào niên vụ thu hoạch mới càng gây áp lực lên thị trường tiêu thụ.
|
Biểu đồ thể hiện tổng diện tích cà phê của tỉnh qua các năm (từ năm 2017 đến tháng 11-2019) và tổng diện tích dự kiến triển khai dự án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê 4C theo Quyết định số 3418/QĐ-UBND năm 2019 của UBND tỉnh (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom) chia sẻ, xuất khẩu cà phê ngày càng cạnh tranh quyết liệt vì thị trường đã cân bằng với quá nhiều ông lớn tham gia. Do thị trường này hiện cung vượt cầu, doanh nghiệp buộc phải giảm giá để cạnh tranh nên hiệu quả xuất khẩu không cao.
Đặc biệt khoảng 3 tháng nay, Trung Quốc cấm nhập khẩu tiểu ngạch nên nhiều doanh nghiệp bị đình đốn hoạt động xuất khẩu. “Khi thấy thị trường xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc gặp khó khăn, tôi cố gắng tìm thêm nguồn khách hàng từ các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn buộc phải thu hẹp lại ngành hàng này” - ông Thứ nói.
Tuy ngành chế biến, xuất khẩu cà phê đang gặp khó khăn nhưng việc giảm nhanh diện tích cây cà phê khiến doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong ngành lo ngại. Ông Vũ Xuân Phong, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Phong (TP.Biên Hòa) cho hay: “Doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng thêm các sản phẩm cà phê chế biến để giữ thị trường. Việc diện tích cà phê không ngừng bị thu hẹp khiến doanh nghiệp e ngại khi muốn mở rộng đầu tư chế biến sâu cho loại nông sản này”.