Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Tây Nguyên đang bị "lão hóa"
19 | 09 | 2008
Thời gian qua diện tích cà phê già cỗi tại các tỉnh Tây Nguyên tăng vọt, và sắp tới diện tích cà phê “lão hoá” ngày càng lớn sẽ đe doạ lới năng suất và chất lượng cà phê toàn khu vực... Để "cải lão hoàn đồng" diện tích cà phê này cần một nguồn tiền khổng lồ!
Ông Nguyễn Văn Sinh, PGĐ Sở NN- PTNT tỉnh Đăklăk cho biết: Toàn tỉnh có 178.600ha cà phê, trong đó diện tích cà phê trên 20 năm tuổi chiếm khoảng 40% (gần 70.000ha), cà phê trong độ tuổi 15 – 20 năm khoảng 30%, số 30% còn lại là cà phê trẻ trồng sau năm 1993. Còn tại Gia Lai trong tổng số 76.080ha cà phê hiện có thì diện tích cà phê trên 20 năm tuổi vào khoảng 8.000ha, diện tích cà phê trồng trong giai đoạn 1988 – 1993 khoảng 20.000ha còn lại là trồng từ sau 1993 tới nay. Tương tự tại Lâm Đồng, tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ hai Tây Nguyên chỉ sau Đăklăk với diện tích 130.000ha thì diện tích cà phê trên 20 năm tuổi toàn tỉnh chiếm non nửa khoảng 60.000ha, cà phê trong độ tuổi từ 15 – 20 năm chiếm 50.000ha, diện tích nhỏ còn lại trồng sau năm 1993.

Theo các chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về cây cà phê thì cà phê trong độ tuổi từ 10 – 15 tuổi là giai đoạn sung sức và cho năng suất cao nhất. Cà phê 15 - 20 năm tuổi bắt đầu chuyển sang giai đoạn già cỗi và khả năng cho năng suất giảm dần. Còn những diện tích cà phê trồng trước năm 1988 thì coi như đã lão hoá cần phải nhổ bỏ, đặc biệt là những vườn cà phê được trồng tại các vùng có tầng đất mỏng, nghèo chất dinh dưỡng, chất lượng vườn cây cơ bản kém. Như vậy có thể thấy trong thời gian tới nước ta sẽ có khoảng trên 50% diện tích cà phê hết thời kỳ kinh doanh có hiệu quả phải cưa đốn hoặc trồng lại. Cà phê già cỗi tăng lên cũng đồng nghĩa với việc sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm xuống, và khó có khả năng duy trì ở sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm như hiện nay.

Trong khi đó, mấy năm gần đây, do giá cà phê tăng cao nên người dân Tây Nguyên ào ạt mở rộng diện tích cà phê mới, bất chấp những khuyến cáo, cảnh báo của các ngành chức năng. Chỉ tính riêng năm 2007, toàn Tây Nguyên đã trồng mới gần 20.000ha và trong năm nay diện tích cà phê trồng mới tại Tây Nguyên sẽ còn tiếp tục mở rộng. Mặc dù diện tích cà phê trồng mới tăng mạnh nhưng những diện tích này phần lớn không nằm trong vùng quy hoạch, hơn nữa hiện hầu hết những diện tích đất nông nghiệp “mặt tiền” đã hết, do vậy để trồng mới cà phê người dân buộc phải trồng tại những vùng đất kém màu mỡ, đất bạc màu không thích hợp cho cà phê phát triển như tầng đất mỏng, độ dốc lớn, không có nguồn nước tưới…thậm chí không loại trừ nhiều diện tích cà phê trồng mới là đất rừng do người dân lấn chiếm do vậy chất lượng, năng suất cà phê sẽ không thể đảm bảo.

Thu hoạch cà phê

Như vậy xét trên tổng thể mặc dù diện tích cà phê thời gian qua tại Tây Nguyên tăng cao nhưng hiệu qủa kinh tế không cao, chi phí nhiều. Bên cạnh đó diện tích cà phê trồng mới cũng không thể bù đắp được diện tích cà phê già cỗi phải thanh lý trong thời gian tới (dự tính cao gấp 2 – 3 lần diện tích cà phê trồng mới). Không chỉ vậy diện tích cà phê trồng mới còn đe doạ đến tính bền vững của những diện tích cà phê còn lại do môi trường bị huỷ hoại, trong đó đặc biệt là nguồn nước tưới.

Vậy thay thế cây cà phê già cỗi tại Tây Nguyên bằng cách nào? Thực tế giá cà phê đang ở mức cao như hiện nay thì rất khó thuyết phục người dân chặt bỏ những vườn cà phê già cỗi, hiệu quả thấp bởi đã chặt bỏ thì cải tạo đất ít nhất cũng mất 3 năm. Đó là chưa kể tới thời gian trồng mới đến khi cho thu hoạch ổn định mất trên 5 năm. Thời gian kéo dài như vậy cũng đồng nghĩa với việc người dân mất một thời gian dài không có thu hoạch và quan trọng nhất liệu giá cà phê thời điểm ấy có còn ở mức cao như hiện nay nữa không. Ngoài ra nguồn vốn đầu tư trồng mới cây cà phê rất lớn (khoảng 50 triệu đồng/ha) đòi hỏi một nguồn tài chính khổng lồ để thay thế diện tích cà phê già cỗi hiện nay.

Ông Đỗ Trọng Vinh, Giám đốc Cty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển Nông lâm nghiệp Ea Kmát (Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cho biết: Việc vận động người nông dân chặt bỏ cây cà phê già cỗi là rất khó, bởi vậy có một biện pháp "cải lão hoàn đồng" nhằm cải tạo vườn cà phê hiệu quả là dùng phương pháp cưa ghép dòng cà phê vô tính có chọn lọc. Phương pháp này không những tiết kiệm được tiền đầu tư mà còn nhanh cho thu hoạch. Chỉ sau hai năm ghép là vườn cà phê đã cho thu hoạch, trong khi đó nếu trồng mới thì 3 năm sau cây mới bói quả. Thực tế năng suất của các vườn cà phê ghép cải tạo từ vườn cà phê già cỗi đạt năng suất rất cao từ 4 – 6 tấn/ha.

Ông Phạm S (Sở NN- PTNT Lâm Đồng) cho hay trong những năm qua tại tỉnh ông, người dân đã cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép được khoảng 4.000ha và những diện tích này đều cho năng suất cao. Còn tại Đăklăk, theo ông Nguyễn Văn Sinh, đến nay chưa có số liệu cụ thể nhưng cũng có từ 2.000 – 3.000ha cà phê già cỗi được cải tạo bằng phương pháp này. Tuy nhiên theo ông Đỗ Trọng Vinh thì ghép chỉ áp dụng ở những vườn cây có bộ rễ còn khoẻ, những vườn cây bộ rễ quá yếu nên phá đi trồng mới.



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường