Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gần 33.000 tỷ đồng để cà phê VN vào ’sân chơi lớn’
12 | 09 | 2008
Theo đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt”, đến năm 2015, gần 70% lượng cà phê Việt sẽ lên sàn giao dịch thế giới. Để chuẩn bị cho chiến lược này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đầu tư gần 33.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê.
Trả lời phỏng vấn của Đất Việt về đề án trên, ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục chế biến, cho biết:

Cà phê Việt Nam đã có một bước tiến vượt bậc cả về diện tích, sản lượng, giá cả và chất lượng. Năm 2007, diện tích cà phê toàn quốc đã đạt trên 500.000 ha với sản lượng xấp xỉ 1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD, đưa cà phê Việt Nam đứng hàng thứ 2 thế giới sau Brazil. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa tự chen chân được vào những thị trường lớn mà vẫn phải qua tay các nhà nhập khẩu.

Giá cà phê Việt Nam tăng nhiều so với trước đây nhưng vẫn chưa tương xứng với chất lượng. Đề án gần 33.000 tỷ đồng mà Bộ vừa phê duyệt là hoàn toàn hợp lý và rất cần thiết cho ngành cà phê lúc này.

- Phương thức giao dịch kỳ hạn được xây dựng ở hai sàn giao dịch Tây Nguyên và TP HCM mà đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt” nói đến có gì khác với cách mua bán cà phê hiện nay?

- Sàn giao dịch có kỳ hạn sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro. Ưu điểm lớn nhất của phương thức này là xác định được rõ ràng sản lượng và thời hạn giao hàng. Sự chèn ép của các thương lái theo kiểu lấy tiền sớm, “bán non” cũng được hạn chế. Doanh nghiệp cất trữ hàng hóa vào kho tại sàn giao dịch và đến phiên thì chỉ lấy mẫu ra, ghi thẻ gồm: tên người bán, giá chào bán và sản lượng có thể đáp ứng. Khi đó, người bán và người mua đều có thể quan sát hết rồi trả giá. Doanh nghiệp cũng có thể ký gửi để vay tiền, khi nào bán được sẽ trả lại với một mức phí hợp lý.

- Việt Nam cần những điều kiện gì để áp dụng thành công mô hình này?

- Việt Nam phải đáp ứng rất nhiều đòi hỏi. Lượng hàng, chất lượng, chi phí sản xuất phải ổn định. Chẳng hạn, khi lạm phát tăng cao thì cũng rất khó áp dụng mô hình này vì người ta rất dễ thua lỗ khi giá cả lên cao trong một thời gian ngắn. Kỳ hạn ký giao tháng 7 nhưng tháng 4, tháng 5 lạm phát đã tăng thì không thể không lo lắng. Cơ sở vật chất cũng đòi hỏi ở mức cao hơn hẳn. Trên sàn giao dịch các nước đều có một đơn vị kinh doanh khác chuyên làm kho cất trữ. Nếu quản lý tốt thì hình thức này sẽ tiện dụng và hiệu quả hơn nhiều.

- Khi đó vị trí của người nông dân trồng cà phê trên sàn giao dịch sẽ như thế nào?

- Trên sàn sẽ không có sự phân biệt nông dân, thương gia, mà chỉ có người mua, người bán và người môi giới. Nông dân theo đó sẽ được xếp vào vị trí của người bán. Cứ tưởng tượng đơn giản như đó là một cái chợ đầu mối. Đến phiên chợ sẽ có rất nhiều người mua và nhiều người bán, họ sẽ trả giá dựa trên những thông tin công khai minh bạch của thị trường thế giới.

Nhưng không phải tất cả các hộ trồng cà phê đều đến sàn giao dịch. Những hộ trồng lớn thì có thể trực tiếp tham gia sàn, còn các hộ nhỏ thì vẫn nên qua các thương lái.

- Bao giờ thì chương trình thí điểm đưa cà phê Việt Nam vào giao dịch tại sàn giao dịch quốc tế, như ở New York, London, khởi động?

- Bây giờ vẫn chưa thể công bố được, cần phải tính toán các bước kỹ càng. Thực ra các doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận lâu rồi nhưng chưa thành công, vẫn phải qua tay các nhà nhập khẩu. Rất nhiều công ty cà phê Việt Nam có khả năng về vốn để đầu tư hẳn một công ty rang xay, đóng gói ở châu Âu nhưng vẫn chưa tự bán được ở thị trường này.

- Một nửa lượng cà phê Việt Nam có chứng chỉ vào năm 2105 liệu có quá thấp?

- So với năng lực của ta thì không thấp, thậm chí còn là một kết quả tốt. Cục Chế biến đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng quy chuẩn cho cà phê Việt Nam hợp với tình hình thực tế và tiêu chuẩn hiệp ước SPS (Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam đã k‎ý). Người tiêu dùng thế giới chỉ quan tâm đến các điều kiện được đề cập trong hiệp định SPS gồm: điều kiện nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, sức khỏe của người chế biến, các bệnh của cây trồng…Vấn đề chất lượng hiện nay phải hiểu theo hướng này chứ không thể đánh giá chất lượng chỉ dựa vào số bao bị thải loại khi xuất khẩu như lâu nay người ta vẫn nghĩ.

Một số chỉ tiêu của đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt”

- Diện tích duy trì ổn định từ 450.000 - 500.000 ha

- Sản lượng 1 triệu tấn

- Tỷ lệ sản xuất cà phê có chứng chỉ đạt 50% diện tích vào năm 2015 và 80% vào năm 2020

- 2015, đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hai sàn giao dịch cà phê tại Tây Nguyên và TP HCM, áp dụng các phương thức mua bán hiện đại: giao dịch kỳ hạn… phòng ngừa rủi ro khi có biến động giá trên thị trường

- 2015, thí điểm đưa cà phê Việt Nam vào giao dịch tại sàn giao dịch quốc tế (New York, London)

- Tổng dự toán vốn đầu tư để thực hiện đề án là 32.759 tỷ đồng.




Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường