Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
8 tháng gia nhập WTO: Làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam
20 | 09 | 2007
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những lĩnh vực nổi bật nhất của Việt Nam sau 8 tháng gia nhập WTO, là đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục mới. Do đó, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã chính thức điều chỉnh dự báo kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2007 từ 12 tỷ USD lên 13 tỷ USD.

8 tháng thu hút 8,3 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm đã có 814 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên tới 7 tỷ USD. Đây là mức vốn lớn nhất kể từ trước đến nay.

Cũng trong 8 tháng có 247 lượt dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian trước đây tăng vốn với tổng vốn 1,3 tỷ USD. Tính chung trong 8 tháng qua, vốn FDI vào VN đã đạt 8,3 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tính toán, quy mô bình quân một dự án vào khoảng 9,8 triệu USD, lớn hơn mức 7 triệu USD so với cùng kỳ 2006. Nếu như 3 tháng đầu năm 2007, danh mục các dự án lớn đang trong giai đoạn tìm hiểu, đàm phán để đầu tư vào VN với tổng vốn chỉ khoảng 20 tỷ USD, thì đến giữa năm tăng lên 35 tỷ USD và 8 tháng đầu năm đã vọt lên tới 47 dự án với 51 tỷ USD.

Trong danh sách này, dẫn đầu là dự án xây dựng một số khu công nghệ chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, đặt tại Bắc Ninh, Bắc Giang của Tập đoàn Foxconn có mức vốn kỷ lục 5 tỷ USD. Tập đoàn này đang khởi động 2 nhà máy đầu tiên trong toàn bộ dự án này.

Tiếp theo là dự án có mức vốn tương tự như dự án tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking tại Phú Yên đang xin ý kiến của Thủ tướng; Dự án sản xuất thép tại Khánh Hòa với 4,5 tỷ USD của Tập đoàn Fosco; Dự án nhà máy nhiệt điện than Vân Phong, trị giá 3,8 tỷ USD do Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư; Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế tại TPHCM 3,5 tỷ USD của Công ty Berjaya Land Berhda, Malaysia; Dự án Trung tâm thương mại Giảng Võ và khu triển lãm Mễ Trì Hà Nội vốn 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Kumho Asiana Hàn Quốc…

Trong số đó còn có 18 dự án có quy mô vốn từ 1 tỷ USD trở lên. Được biết, nếu các dự án khổng lồ được Chính phủ phê duyệt trong năm nay thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào VN sẽ vượt xa mục tiêu đề ra là 12 tỷ USD.

Song song với nguồn vốn FDI, vốn đầu tư gián tiếp (FII) trong thời gian gần đây cũng đã tăng rất mạnh. Biểu hiện rõ nhất là việc đầu tư vào thị trường chứng khoán của các tập đoàn tài chính quốc tế trong thời gian qua đã không ngừng gia tăng. Số liệu của Tập đoàn Indochina Capital tại Hà Nội cho thấy, lượng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trong 7 tháng vừa qua chiếm tới 60% tổng lượng giao dịch trên toàn thị trường. Với những số liệu nêu trên, VN đã chính thức bước vào sân chơi tài chính quốc tế.

Để sức hút Việt Nam bền vững

Ông Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cho rằng, VN đang ở giai đoạn “tuần trăng mật” trong việc thu hút vốn FDI. Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại VN Houng Lee nhìn nhận: “VN đã tạo được niềm tin trong các nhà đầu tư nước ngoài đối với những cam kết của mình ngay sau khi gia nhập WTO. VN còn hấp dẫn bởi lực lượng lao động dồi dào, một nền chính trị và xã hội ổn định, một chính phủ tận tâm…”.

Mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định về hướng dẫn thi hành một số cam kết về đầu tư của VN với WTO, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại VN Jean-Pierre Achouche cho rằng, việc trở thành thành viên của WTO đã giúp VN ngày càng nổi bật trên bản đồ thu hút đầu tư trên thế giới. VN sẽ tiếp tục là nơi lựa chọn thứ 2 trong khu vực trong 5 – 10 năm tới”.

Đây là những dấu hiệu khởi sắc, tiếp thêm niềm tin cho VN trong công cuộc đổi mới kinh tế trong suốt 20 năm qua. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đi kèm với tốc độ tăng trưởng mạnh của nguồn vốn FDI là mức độ cảnh báo cũng không ngừng tăng đối với các khiếm khuyết từ thực tế.

Nếu những năm trước tỷ lệ giải ngân mới chỉ dừng ở mức 2 tỷ USD, thì việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông sẽ khác hẳn so với mức 5 tỷ USD sẽ thực hiện trong năm nay. Theo đó, việc giải ngân đối với các dự án giao thông mới chỉ đạt khoảng 30% so kế hoạch năm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút nguồn vốn.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt trong lĩnh vực năng lượng, điện, cảng biển, khó khăn trong hạ tầng, giải phóng mặt bằng phát triển đô thị… vẫn là những vấn đề nóng bỏng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Walter Blocker, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại VN (Amcham), chỉ ra rằng, tình trạng tắc nghẽn cảng biển đang là vấn đề nan giải tại TPHCM, nơi thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

Ngay từ năm 2004, TPHCM đã đón đến 78% lượng tàu hàng container, trong khi cảng Cái Lân chỉ có 19%... Trong năm 2007, các cảng tại TPHCM đã không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng. Tình hình này sẽ còn diễn ra ngày càng tồi tệ hơn trong những năm 2008 và 2009, trước khi cảng Cái Mép được đưa vào hoạt động vào năm 2010.

Áp lực hội nhập lớn nhưng cơ hội mang lại cho VN cũng không nhỏ. Nhưng nếu chúng ta không duy trì được các cam kết với các nhà đầu tư là đẩy mạnh việc cải cách hành chính, đầu tư đồng bộ cho cơ sở hạ tầng, đồng thời thực hiện đúng các cam kết từ WTO cũng như các hiệp định song phương và đa phương trong hội nhập… thì sẽ khó có thể níu chân các nhà đầu tư. Đây là thách thức lớn đang đặt ra cho VN trong giai đoạn hậu WTO.



Theo SGGP
Báo cáo phân tích thị trường