Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Vào WTO, lo mất ưu đãi đầu tư”
19 | 10 | 2007
Đó là băn khoăn của ông Sachio Kageyama, Tổng giám đốc Canon Việt Nam khi trao đổi với VnEconomy xung quanh vấn đề FDI vào Việt Nam thời hậu WTO.
Thưa ông, xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong năm nay được dự báo như thế nào. Và làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản được dự báo là sắp vào Việt Nam, vậy đâu là lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm khi muốn làm ăn tại quốc gia chúng tôi?
Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng mạnh hơn nữa. Bởi hiện có nhiều doanh nghiệp đang ngiên cứu đầu tư vào Việt Nam, và họ đã đến công ty chúng tôi để hỏi ý kiến và tìm hiểu kinh nghiệm.

Và trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào năm ngoái, nhiều doanh nghiệp Nhật đã bày tỏ sự quan tâm đến Việt Nam. Bản thân tôi hy vọng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng tăng hơn nữa.
Tôi cho rằng công nghiệp chắc chắn vẫn là lĩnh vực được các doanh nghiệp xứ sở hoa Anh Đào quan tâm nhiều nhất, tuy nhiên những ngành kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam vẫn có sức với các nhà đầu tư. Khi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẽ kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp làm linh kiện phụ trợ, vì thế doanh nghiệp nội địa sẽ càng có cơ hội phát triển hơn nữa.

Bản thân tôi dự báo Việt Nam sẽ thành nuớc công nghiệp trước năm 2020.
Để đón được làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp của nước ông, Việt Nam cần phải sẵn sàng những vấn đề nào thưa ông?
Trong một số diễn đàn, tôi đã phát biểu rằng hạ tầng là vấn đề quan trọng đối với phát triển của Việt Nam.
Trước hết, hạ tầng về điện rất quan trọng. Chúng tôi được biết Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch phát triển nguồn điện cho đất nước, song mức độ phát triển của Việt Nam có thể vượt qua sự phát triển của ngành điện. Đồng thời, khi Việt Nam thu hút thêm nhiều dự án đầu tư thì thiếu điện sẽ gây ra rủi ro càng lớn.
Bản thân Canon cũng lo lắng khi Việt Nam quá phụ thuộc vào thuỷ điện, nhất là ở miền Bắc. Vì thế vấn đề đặt ra là Việt Nam lập một kế hoạch phát triển điện không bị thiếu hụt so với sự phát triển kinh tế, nếu không các đầu tư vào Việt Nam sẽ dừng lại.
Bên cạnh ngành điện, cảng việt Nam không thể tiếp nhận các tàu lớn cũng là một vấn đề. Thực tế điều này đang gây khó khăn cho chính chúng tôi khi phải chuyển container qua Hong Kong và Singapore,… Việt Nam cần xây dựng cảng càng nhanh càng tốt, cơ sở hạ tầng đường bộ cũng cần phải có cải tiến.
Ngoài ra, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn yếu kém, dù số nhà cung cấp linh kiện cho chúng tôi đã tăng từ 4 lên 70 đơn vị nhưng nhu cầu của Canon vẫn còn tăng. Nếu Việt Nam muốn "thắng" Trung Quốc hay Thái Lan thì điều quan trọng phải đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ bằng hai cách: thu hút đầu tư nước ngoài, và phát triển các công ty có vốn của Việt Nam trở thành các nhà sản xuất linh kiện phụ trợ.
Một ý khác mà tôi muốn nói không liên quan đến hạ tầng nhưng có tác động lớn đến môi trường đầu tư đó là vấn đề đình công trái phép. Qua những cuộc đình công diễn ra trong miền Nam gần đây, tôi cho rằng Việt Nam cần xử lý mạnh mẽ những cuộc đình công bất hợp pháp để môi trường đầu tư hoàn thiện.
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vậy Canon, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), liệu có gặp phải khó khăn nào?
Tôi hoan nghênh Việt Nam gia nhập WTO, còn khó khăn nhất cho những doanh nghiệp FDI, theo tôi có lẽ là ưu đãi đầu tư dành cho các doanh nghiệp này sẽ bị bãi bỏ.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ nghiên cứu và đưa ra phương thức duy trì những ưu đãi trước đây cũng như Trung Quốc sau khi gia nhập WTO, họ vẫn tìm cách giữ các ưu đãi cho khối doanh nghiệp FDI. Trong tương lai Việt Nam cũng cần thu hút nhiều đầu tư, do đó tôi mong Chính phủ Việt Nam sẽ nghiên cứu và đưa ra các hình thức ưu đãi phù hợp.
Năm 2007, Việt Nam tiếp tục trên đà phát triển, vậy Canon có kế hoạch như thế nào trong bối cảnh chung?
Công ty Canon Việt Nam thành lập vào tháng 11/2001 với 100% vốn nước ngoài, và đến nay chúng tôi đã rất thành công ở Việt Nam.

Năm đầu tiên làm ăn tại Việt Nam, Canon mới đạt doanh thu 40 triệu USD, nhưng năm 2006 con số này đã là gần 700 triệu USD. Nhờ sự thành công này, Tập đoàn Canon tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với việc xây thêm nhà máy tại Tiên Sơn và Quế Võ (Bắc Ninh).

Như vậy, sau 5 năm tại quốc gia các bạn, chúng tôi đã có 3 nhà máy với tổng số vốn đầu tư khoảng 306 triệu USD với số lượng công nhân lúc cao điểm nhất lên đến gần 10 ngàn lao động.
Năm nay, cùng với nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long là nhà máy ở Quế Võ sẽ đi vào sản xuất ổn định và nhà máy ở Tiên Sơn sẽ vào hoạt động vào cuối hoặc sang năm, Canon đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD.


Theo vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường