Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự báo đầu tư nước ngoài năm 2007 có thể đạt con số 10 tỷ USD
18 | 09 | 2007
Trong những năm tới, cùng với việc nước ta trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ mạnh hơn hẳn trong những năm tới. Đây chính là nguồn động lực thúc đẩy nền kinh tế của nước ta phát triển.
Tổng vốn FDI của nước ta đã thu hút được trong 5 năm qua đạt khoảng 13,6 tỷ USD, còn dự kiến trong kế hoạch 5 năm hiện nay sẽ đạt 17,5 - 18,5 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế nổi bật vốn có về chính trị - xã hội ổn định, nằm ở trung tâm vùng phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới hiện nay và đã đạt được nhịp độ tăng trưởng chỉ sau “người khổng lồ” Trung Quốc..., với việc nước ta trở thành thành viên WTO, có những căn cứ sau đây để cho rằng, khả năng thu hút vốn FDI của nước ta trong những năm tới còn cao hơn nữa:

Thứ nhất, là một nước tuy còn ở trình độ phát triển thấp, độ mở của nền kinh tế cao và đang trên đà phát triển nhanh, nên rất “đói” vốn đầu tư, tạo ra những cơ hội vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho thấy, với xấp xỉ 83 triệu dân năm 2005, xếp hạng thứ 13 thế giới, nhưng quy mô GDP của Việt Nam mới đạt 254 tỷ USD (tính theo sức mua tương đương), xếp hạng thứ 37 thế giới, còn GNI bình quân đầu người chỉ mới đạt 620 USD/năm, xếp hạng thứ 166 trong tổng số 208 nền kinh tế có số liệu so sánh. Trong khi đó, số liệu thống kê của WTO cho thấy, Việt Nam được xếp thứ 50 trong 50 quốc gia xuất khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới.

Nhìn từ khía cạnh khác, trong khi độ mở ở đầu ra xuất khẩu của nền kinh tế nước ta năm 2000 mới là 47,82%, thì trong năm 2005 đã tăng lên 61,14%. Trong khi đó, độ mở nhập khẩu tăng từ 51,73% năm 2000 lên 69,69% năm 2005. Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế còn ở trình độ phát triển rất thấp, nhưng đang phát triển nhanh theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu và xuất khẩu dựa trên cơ sở đẩy mạnh nhập khẩu. Nói cách khác, tiềm năng mở rộng thị trường của nước ta hiện nay còn rất lớn và tự chúng ta không đủ vốn để khai thác, do đó tạo ra cơ hội vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đó không chỉ là những cơ hội trong đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, mà còn là những cơ hội trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất những nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu với quy mô ngày càng lớn, cũng như những cơ hội đầu tư sản xuất hàng loạt hàng hoá, dịch vụ đáp ứng những nhu cầu đang tăng nhảy vọt của một thị trường có quy mô dân số đứng thứ hai trong khu vực.

Mặt khác, theo đánh giá mới đây nhất của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), Việt Nam được xếp vào nhóm nước có tiềm năng FDI thấp, nhưng hiệu quả hoạt động của khu vực FDI cao. Đây chắc chắn là một “liều thuốc kích thích” các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh trong bối cảnh nước ta trở thành thành viên WTO.

Thứ hai, dưới con mắt của nhiều chiến lược gia, do Việt Nam ngày càng có vai trò tích cực hơn, nhiều ảnh hưởng hơn trong ASEAN, nên có vị trí quan trọng trong việc duy trì ảnh hưởng đối với khu vực châu Á của các trung tâm kinh tế thế giới như Mỹ và Nhật Bản, cũng như của các cường quốc kinh tế khu vực.

Trong đó, tuy “làn sóng đầu tư thứ hai” từ Nhật Bản đã được khởi động và theo đánh giá của Thủ tướng Nhật Bản mới đây rằng, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng từ 6,5 tỷ USD hiện nay lên 15 tỷ USD vào năm 2010 là một điều hết sức đáng mừng, nhưng có lẽ điều còn đáng mừng hơn nữa là ở chỗ, với những động thái gần đây trong chính giới và tại thị trường Mỹ, rất có thể bây giờ mới là thời điểm để xuất hiện làn sóng đầu tư của các nhà kinh doanh Mỹ vào Việt Nam.

Mới đây, Việt Nam thu hút được một loạt dự án đầu tư lớn, như Intel (Mỹ) tăng vọt vốn đầu tư từ 605 triệu USD lên 1 tỷ USD, hợp đồng hợp tác kinh doanh Nhà máy Điện Mông Dương 2 giữa Tập đoàn AES & Power (Mỹ) và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam trị giá 1,4 tỷ USD, Tập đoàn Rockingham đang đầu tư 1 tỷ USD vào đảo Phú Quốc, Liên doanh sản xuất nhôm trị giá 1,3 tỷ USD (tỷ lệ góp vốn của Trung Quốc 60%, của Việt Nam 40%)... Bên cạnh đó, theo lời của Tổng thống Nga Putin, các doanh nghiệp Nga cũng có thể đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam.

Tóm lại, với một loạt ưu thế nổi trội, cùng với việc trở thành thành viên WTO, nhiều cánh cửa đã được mở ra, thị trường nước ta đã bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn đến từ các nước và khu vực có trình độ phát triển cao, nên khả năng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn dự báo là rất lớn. Việc vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm nay bất ngờ ước đạt trên 8,5 tỷ USD, và dự báo năm 2007 có thể đạt tới con số trên 10 tỷ USD. Trong bối cảnh đang còn ở trình độ phát triển rất thấp, phụ thuộc rất nhiều vào vốn đầu tư như hiện nay, đây chính là nguồn động lực mạnh hơn để hy vọng nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh hơn so với mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%/năm trong những năm tới như đã dự báo.



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường