Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đắc Lắc: Công nghiệp sau thu hoạch cà phê còn nhiều bất cập
23 | 01 | 2008
- Tỉnh Đắc Lắc hiện có trên 175.540 ha cà phê, trong đó có 170.000 ha đang cho thu hoạch, với mỗi năm đạt sản lượng từ 400.000 tấn cà phê nhân trở lên. Thế nhưng, ngành công nghiệp sau thu hoạch cà phê của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng cà phê nhân kém. Do chất lượng thấp, giá cà phê của Đắc Lắc nói riêng, Tây Nguyên nói chung luôn thấp hơn các nước trong khu vực từ 50 đến 70 USD/tấn, thậm chí có lúc chênh lệch này cao hơn 100 USD/tấn.

Cà phê ở tỉnh Đắc Lắc có 80% diện tích là của các nông hộ. Lâu nay, đồng bào các dân tộc sau khi thu hoạch đưa về phơi chủ yếu là trên sân đất, hoặc trên tấm bạt bằng ni lông. Một số gia đình có vốn khá hơn đầu tư mua sắm máy áp dụng phương pháp xát dập, tức là cho quả cà phê qua máy xát tươi đã được điều chỉnh làm cho quả cà phê dập ra để phơi cho mau khô (biện pháp này rút ngắn thời gian phơi từ 30 đến 40% phơi nguyên quả), sau đó cũng phơi trên sân đất hoặc trên tấm bạt ni lông. Có lúc đang phơi với số lượng cà phê lớn, trời đổ mưa, bà con chỉ dồn lại che phủ tấm bạt, thậm chí có gia đình còn để nguyên cà phê (chủ yếu là cà phê nguyên vỏ) ngay trên sân đất trong nhiều ngày dầm mưa, gây nên nấm mốc, giảm chất lượng cho cà phê. Trong vài năm trở lại đây, các công ty, nông trường quốc doanh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng sân phơi, nhà kho, cơ sở chế biến cà phê ướt theo quy trình kỹ thuật tiên tiến để góp phần nâng cao chất lượng cà phê. Riêng đối với các hộ gia đình đồng bào các dân tộc có sản xuất kinh doanh cà phê cũng đã đầu tư xây dựng sân phơi, nhà kho, cơ sở chế biến khô, chế biến ướt (xát dập quả cà phê tươi lấy cà phê nhân phơi), tuy nhiên, so với yêu cầu còn quá thấp. Do vậy, hàng năm, cứ đến mùa vụ cà phê, với sản lượng quá nhiều, không đủ sân phơi, đồng bào thường lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để phơi cà phê (vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, vừa mất mỹ quan văn minh đô thị) nên chứa nhiều rủi ro làm giảm chất lượng cà phê.

Theo ông Nguyễn Văn Thường, Trưởng phòng khoa học, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên: một ha cà phê kinh doanh với sản phẩm chế biến khô, cần diện tích sân phơi tối thiểu 80 mét vuông, trong khi đó, một ha sân phơi được làm bằng bê tông, dày 8 đến 10 cm có giá từ 1 tỷ đồng trở lên. Nếu áp dụng phương pháp chế biến khô (phơi khô nguyên quả, sau đó đem xát khô loại bỏ vỏ, lấy phần nhân), phần tỷ trọng của sân phơi tham gia vào giá thành sẽ lớn hơn nhiều so với chế biến ướt. Ông Ama Ne, người dân tộc Êđê, ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'Gar có trồng trên hai ha cà phê, mỗi năm cho thu hoạch từ 5 đến 7 tấn cà phê nhân nói, biết chế biến ướt là có hạt cà phê đẹp, tốt, có giá bán cao hơn nhiều lần so với hái xong phơi trên nền đất, nhưng bà con ở buôn làng mình sản xuất nhỏ lẻ, lấy tiền đâu hàng tỷ đồng để làm sân phơi to, xây dựng cơ sở chế biến ướt. Muốn lắm, nhưng đành chịu thôi nhà báo ơi !.

Hiện nay, tỉnh Đắc Lắc đã khuyến khích các thành phần kinh tế trong, ngoài tỉnh đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng sân phơi, cơ sở chế biến cà phê hiện đại để từng bước nâng cao chất lượng cà phê. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình đồng bào các dân tộc có sản xuất kinh doanh cà phê vay vốn đầu tư xây dựng sân phơi, nhà kho, cơ sở chế biến ướt tại các cụm dân cư để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu./.


Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường