Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những thách thức mới của cà phê Việt Nam
21 | 07 | 2008
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội cà phê-Ca cao Việt Nam thì trong tổng số hơn 500.000ha cà phê của cả nước hiện nay chỉ có khoảng 274.000ha, chiếm 54,8% được trồng ở giai đoạn sau năm 1993, trong độ tuổi từ 10 đến 15 năm. Đây là số diện tích cà phê đang ở giai đoạn sung sức và cho năng suất cao nhất. Trong những năm tới, sản lượng cà phê Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào diện tích này.
Trong khi đó số diện tích cà phê còn lại có 139.600ha, chiếm 27,9% được trồng trong giai đoạn 1988-1993, đến nay ở tuổi từ 15 đến 20 năm, phần lớn diện tích này đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn già cỗi và khả năng cho năng suất giảm dần. Số diện tích cà phê trồng từ trước năm 1988 đến nay đã hơn 20 năm tuổi có tới 86.400ha chiếm 17,3%. Những diện tích này đã già cỗi và không còn hiệu quả khai thác cần phải được thay thế.

Như vậy có thể thấy rằng trong thời gian 5-10 năm tới sẽ có hơn 50% diện tích cà phê của Việt Nam đã hết thời kỳ kinh doanh có hiệu quả phải cưa đốn phục hồi hoặc phải trồng lại. Cùng với diện tích cà phê già cỗi tăng lên thì tổng sản lượng cà phê của cả nước sẽ giảm xuống, không còn khả năng duy trì ở con số khoảng một triệu tấn như hiện nay.

Mặc dù một số năm gần đây do giá cả tăng cao, số diện tích cà phê trồng mới được tăng lên đáng kể, có năm tới gần 30.000ha. Nhưng hầu hết những diện tích trồng mới này không nằm trong vùng quy hoạch, chủ yếu là được trồng trên những nơi không thích hợp như tầng đất nông, độ dốc lớn, nơi thiếu nguồn nước tưới v.v.. và không ít trong số đó là đất rừng. Do vậy dù diện tích trồng mới có tăng lên, nhưng do được trồng ở những vùng không thích hợp sẽ khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao do năng suất thấp và chi phí sản xuất tăng cao. Số diện tích trồng mới này không những không đủ bù đắp phần sản lượng thiếu hụt của những diện tích cà phê già cỗi phải thanh lý mà còn đe dọa trực tiếp đến tính bền vững của những diện tích cà phê còn lại do môi trường bị hủy hoại, trong đó đặc biệt là nguồn nước tưới.

Cùng với việc mở rộng diện tích không theo quy hoạch, ngành cà phê Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn từ 1990 trở lại đây do có nhiều năm giá cà phê lên cao, người trồng cà phê đã loại bỏ cây che bóng, đồng thời tăng cường bón phân hóa học, lượng nước tưới v.v.. nhằm mục đích đạt được năng suất tối đa. Những biện pháp thâm canh cao độ này không những đã làm cho cây cà phê nhanh chóng bị kiệt sức, sớm già cỗi mà còn làm cho môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm phát sinh nhiều loại sâu, bệnh hại, trong đó đặc biệt là nấm bệnh và tuyến trùng hại rễ. Thực tế trong những năm qua đã có hàng chục nghìn héc-ta cà phê bị bệnh không có khả năng phục hồi phải thanh lý và nhiều diện tích cà phê già cỗi sau khi thanh lý cũng không có khả năng trồng lại được cà phê.

Cùng với sự thiếu hụt lao động và chi phí nhân công tăng cao, giá cả vật tư phân bón, xăng, dầu v.v.. cũng đang có xu hướng ngày càng tăng cao sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng lên, lợi nhuận thu được từ sản xuất cà phê sẽ ngày một giảm sút. Thực tế trong năm vụ 2007-2008, tuy giá cà phê có tăng cao nhưng do chi phí công lao động và vật tư phân bón v.v.. tăng cao nên người trồng cà phê vẫn không thu được nhiều lợi nhuận.

Hơn 80% diện tích cà phê cả nước do các hộ nông dân trực tiếp quản lý, số diện tích cà phê còn lại thuộc các doanh nghiệp Nhà nước quản lý, nhưng sau khi thực hiện cơ chế giao khoán đến từng người lao động thì số diện tích này thực chất cũng do hộ nông dân quản lý. So với nhiều nước trồng cà phê trên thế giới thì các hộ nông dân trồng cà phê của Việt Nam đều thuộc dạng nhỏ, lẻ, diện tích hẹp trung bình từ 0,5 đến 1ha và mang tính tương đối độc lập. Số hộ gia đình có diện tích lớn hơn 5ha và sản xuất dưới hình thức trang trại chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Do hình thức tổ chức sản xuất dưới dạng hộ gia đình phân tán, nhỏ lẻ và tương đối độc lập dẫn đến suất đầu tư tấn sản phẩm của từng hộ gia đình nói riêng và toàn ngành cà phê nói chung tăng cao do hộ gia đình nào cũng phải tự mua sắm máy bơm, phương tiện vận chuyển, máy xay xát v.v.. đầu tư xây dựng sân phơi, kho tàng, v.v.. nhưng hiệu quả sử dụng thấp vì chỉ sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn trong năm từ đó làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Việc tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ cũng như các dịch vụ khác như vay vốn tín dụng, ngân hàng v.v.. cũng hết sức khó khăn, do diện tích nhỏ, manh mún và khả năng tài chính hạn hẹp. Nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, trong đó đặc biệt là nguồn nước ngầm và tài nguyên rừng. Cũng do hình thức tổ chức theo kiểu sản xuất, nhỏ lẻ, phân tán và tính độc lập tương đối của các hộ gia đình nên sản phẩm làm ra không những chất lượng không cao mà còn không ổn định do điều kiện hiểu biết và mức độ đầu tư cho khâu thu hái chế biến khác nhau, từ đó làm cho chất lượng cà phê của toàn ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc xây dựng thương hiệu, chứng chỉ chất lượng hàng hóa khó có thể thực hiện được.

Trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước hầu như chiếm độc quyền trong việc thu mua cà phê trực tiếp từ các hộ gia đình và các doanh nghiệp sản xuất cà phê để xuất khẩu, do vậy mà các doanh nghiệp này chưa thực sự quan tâm đến người sản xuất, mối liên kết giữa người sản xuất với các nhà doanh nghiệp hầu như không tồn tại. Do không có mối liên kết nên một khi giá cà phê lên cao các doanh nghiệp thường gặp khó khăn là khó có thể thu mua được số lượng lớn trong một thời gian ngắn để xuất khẩu. Hơn nữa do nguồn tài chính có hạn, phần lớn phải vay ngân hàng nên dễ gặp phải rủi ro khi đến hạn giao hàng mà vẫn chưa thu mua đủ số lượng. Ngược lại khi giá cà phê xuống thấp thì người sản xuất lại gặp rất nhiều khó khăn do chưa bán được sản phẩm, trong khi đó lại phải cần vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây, phải đi vay ngân hàng làm tăng thêm chi phí sản xuất. Chất lượng cà phê được quyết định từ những người sản xuất, từ khâu chọn giống đến chăm sóc thu hái, chế biến, nhưng do hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn mua bán theo kiểu "có gì mua nấy", mức độ chênh lệch giá giữa chất lượng tốt với xấu không đủ kích thích người sản xuất đầu tư nâng cao chất lượng. Chính vì vậy mà hàng chục năm qua mặc dù ngành cà phê đã rất cố gắng để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, nhưng đều không đạt được hiệu quả mong muốn do thiếu vắng vai trò của các doanh nghiệp.

Để cây cà phê phát triển bền vững trong các năm tới, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích người nông dân chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi sang cưa ghép bằng các dòng cà phê vối chọn lọc; chuyển những diện tích cà phê trồng trên những vùng đất không thích hợp sang ca cao hoặc các loại cây trồng khác. Xây dựng và ban hành quy chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến đối với cây cà phê để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như tính bền vững.

Đã đến lúc cần tổ chức lại ngành cà phê Việt Nam, trong đó xây dựng được các hình thức tổ chức thích hợp như hợp tác xã; nhóm hộ sản xuất v.v.. tránh hình thức phân tán, nhỏ lẻ như hiện nay. Tăng cường mối liên kết 4 nhà, trong đó nhà doanh nghiệp có vai trò quan trọng nhất, vì vậy Nhà nước cần có chính sách miễn hoặc giảm thuế đối với những nguồn tài chính mà các doanh nghiệp này phải đầu tư nhằm đổi mới trang, thiết bị công nghệ, hỗ trợ về mặt ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân thông qua các nhà khoa học. Tăng cường hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất cà phê như đường sá, hồ đập thủy lợi, điện, nước v.v.. Đặc biệt cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ một cách toàn diện đối với cây và ngành cà phê.




Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường