Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới trong suốt thời gian qua vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, khi bắt đầu đến thời điểm chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu cũng như thời điểm cận kề Tết Nguyên đán hàng năm, vẫn tồn tại tình trạng ùn ứ, tồn đọng nông sản, trái cây cục bộ tại cửa khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Một trong những nguyên nhân là do lượng nông sản, trái cây khi vào chính vụ thu hoạch để xuất khẩu được đưa lên khu vực cửa khẩu tăng đột biến tại cùng một thời điểm, trong khi phía Trung Quốc cũng trùng thời điểm chính vụ thu hoạch với Việt Nam đối với một số loại trái cây.
Điều này dẫn đến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam cũng sụt giảm nhất định.
Bên cạnh đó, năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu hai nước Việt Nam - Trung Quốc, mặc dù đã được cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng còn rất hạn chế so với nhu cầu xuất khẩu, dẫn đến việc không thể đáp ứng được lưu lượng xe đưa lên quá lớn tại cùng một thời điểm như hiện nay.
Bộ Công Thương cho rằng để giải quyết tình trạng trên một cách triệt để, góp phần ổn định hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới trong thời gian tới, cần sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, đánh giá tình hình, thống nhất công tác tổ chức sản xuất đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu của phía Trung Quốc nhằm điều tiết lượng hàng hóa lưu thông qua các tỉnh biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là thời gian cao điểm chính vụ.
Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường với phía Trung Quốc, mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch.
Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc cần thường xuyên, liên tục cập nhật tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu trọng điểm, nhất là vào dịp cao điểm; kịp thời phối hợp với các địa phương sản xuất trọng điểm cảnh báo thông tin và điều phối hàng hóa đưa lên biên giớ...
Đối với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, cần phải nâng cao nhận thức về tính đoàn kết, điều phối, hài hòa lợi ích doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả tình trạng ép giá, ép cấp trong thương mại nông, thủy sản qua biên giới với doanh nghiệp Trung Quốc..