Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xem xét chiến lược tiếp cận Hà Lan để tăng xuất khẩu rau quả vào EU
30 | 12 | 2019
Tỉ trọng xuất khẩu một số chủng loại rau quả của Việt Nam sang EU chỉ chiếm chưa đến 1%, tuy nhiên, đây là thì trường tiềm năng mà doanh nghiệp có thể nghiên cứu để thâm nhập sâu rộng thông qua Hà Lan.

Theo số liệu thống kê từ Eurostat, nhập khẩu chủng loại trái cây mã HS 080450 và 081090 của Liên minh châu Âu (EU) trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 720.000 tấn, trị giá 1,48 tỉ USD, giảm 1,7% về lượng, nhưng tăng 6,2% về trị giá so với cùng kì năm 2018.

Trong đó, chủng loại trái cây mã HS 080450 gồm quả ổi, quả xoài, măng cụt và mã HS 081090 gồm quả me, quả táo, hạt điều, vải thiều, mít, mận, quả hồng xiêm, chanh leo, khế và thanh long.

Hà Lan, Peru và Brazil là ba thị trường cung cấp chủng loại trái cây mã HS 080450 và 081090 lớn nhất cho EU trong 8 tháng đầu năm 2019. Lượng nhập khẩu từ ba thị trường này chiếm tới 48,7% tổng lượng nhập khẩu của EU.

Việt Nam là thị trường cung cấp chủng loại quả mã HS 080450 và 081090 lớn thứ 27 cho EU. Mặc dù nhập khẩu chủng loại quả này của EU từ Việt Nam tăng mạnh, nhưng tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn thấp, chiếm 0,5% tổng lượng nhập khẩu của EU.

Theo Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của EU (CBI), với dân số hơn 500 triệu người, châu Âu chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu.

5 trong số 10 nước nhập khẩu hàng rau quả hàng đầu thế giới là ở châu Âu. Sản xuất nông nghiệp mặc dù là một ngành cơ bản, nhưng số lượng trang trại rau quả ở châu Âu đang giảm.

Nông dân châu Âu lựa chọn sử dụng công nghệ và phát triển giống để tăng năng suất, kéo dài mùa sản xuất và cải thiện chất lượng và đặc tính sản phẩm. Những nỗ lực này khiến chất lượng sản phẩm cao hơn, nhưng sản lượng hầu như không tăng.

Do đó, sản lượng trái cây tại châu Âu trong dài hạn có xu hướng giảm nhẹ. Sản lượng trái cây trong khối giảm, góp phần tạo ra nhu cầu nhập khẩu trái cây.

Trong khoảng 5 năm gần đây, tổng trị giá nhập khẩu trái cây của châu Âu đã tăng nhanh hơn so với lượng nhập khẩu, lần lượt xấp xỉ ở mức 30% và 24%, do nhập khẩu trái cây có giá trị cao như bơ, xoài và chanh tăng.

Châu Âu nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển. Các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và nhiều tiềm năng tại châu Âu gồm bơ, xoài và khoai lang. Việc nhập khẩu trái cây vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan do Hà Lan được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau quả.

Trị giá nhập khẩu rau quả tươi của Hà Lan từ các nước đang phát triển tăng 55% từ năm 2014 đến năm 2018. Hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho châu Âu vào EU thông qua Hà Lan.

Do đó, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn xuất khẩu vào EU cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu các mặt hàng rau quả vào Hà Lan và qua đó vào EU. 

Đồng thời để xuất khẩu được rau quả tươi vào thị trường EU doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, tuân thủ xã hội, môi trường và kinh doanh.



Báo cáo phân tích thị trường