Sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2019 cao, và dự báo tiếp tục bội thu trong năm 2020 do những nông trường tiêu trồng từ năm 2017 đến giai đoạn cho thu hoạch.
Tới thời điểm hiện tại, thị trường vẫn còn tiêu tồn trữ từ vụ trước. Nhiều người trồng tiêu và doanh nghiệp năm ngoái thấy giá giảm sâu nên đã giữ hàng lại chờ giá tăng lên.
Trên thế giới, sản lượng năm nay chắc chắn sẽ tăng từ một số nước sản xuất. Sản lượng của Ấn Độ năm nay dự báo sẽ đạt khoảng 61.000 – 62.000 tấn, tức là cao hơn khoảng 30% so với năm ngoái. Sản lượng của Brazil vốn lợi thế nhờ mô hình chi phí sản xuất rất thấp và năng suất cao. Những yếu tố này giúp cho hạt tiêu Brazil cạnh tranh tốt trên thị trường toàn cầu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), diện tích trồng tiêu của nhiều nước tăng mạnh ở giai đoạn 2016- 2017, do đó thị trường tiêu thế giới năm 2020 sẽ vẫn trong tình trạng cung vượt cầu ít nhất tới cuối năm 2020. Nhiều chuyên gia cho rằng giá tiêu năm nay sẽ tiếp tục giảm, xuống chỉ khoảng 36 – 38 nghìn đồng/kg, thậm chí có thể chỉ 35 nghìn đồng (đầu tháng 1/2020, giá tiêu khoảng 39 đến 42 nghìn đồng/kg).
Tuy nhiên, khả năng giá hạt tiêu giảm xuống dưới 37 nghìn đồng là rất thấp vì ở mức đó các nhà đầu cơ sẽ mua vào để tích trữ. Các chuyên gia trong nước dự báo giá tiêu sẽ hồi phục nhẹ vào năm 2021, và sẽ hồi phục mạnh kể từ 2022 do sản lượng cả trong và ngoài nước sẽ giảm mạnh.
Về xuất khẩu, năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam tăng về khối lượng. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu lại giảm so với năm trước do giá tiêu thế giới giảm.
Giá tiêu xuất khẩu trung bình năm 2019 là 2.516 USD/tấn, giảm 23,6% so với năm 2018.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam năm 2019 đạt 284.000 tấn, kim ngạch 715 triệu USD, tương đương tăng 23,4% về lượng nhưng giảm 5,7% về kim ngạch. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 19,5%, tiếp đến là Ấn Độ, Đức và Hà Lan. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng về khối lượng nhưng giảm về trị giá. Riêng xuất khẩu sang Đức tăng cả về lượng và kim ngạch. Xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng như Thái Lan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng 89,4% về khối lượng và 46% về trị giá, sang Nga tăng lần lượt 40,6% và 10,3%, sang Thái Lan tăng lần lượt 34,8% và 0,6%.
Năm nay, Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA) dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi và nhiều cơ hội cho ngành hạt tiêu Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang EU, nhất là thị trường Đức. Hiệp định này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hatjtieeu mở rộng thị trường và tạo cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến hạt tiêu.
Do nhu cầu hạt tiêu trên toàn cầu tiếp tục tăng, thị trường trong giai đoạn từ nay đến 2025 dự báo sẽ trong xu hướng tiêu thụ nhiều lên, với mức tăng trung bình 1,2% mỗi năm để đạt 840.000 tấn vào năm 2020.
Nguồn: VITIC