Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hành trình USDA
22 | 01 | 2020
Trong bối cảnh hồ tiêu Tây Nguyên đang điêu đứng thì thương hiệu hồ tiêu hữu cơ của một số hợp tác xã trên địa bàn Tây Nguyên vẫn đang từng bước khẳng định được mình với đầu ra ổn định, giá bán tốt.
Các nhà nông nghiệp Ấn Độ, Philippin tìm đến vườn tiêu hữu cơ của HTX Nam Yang để tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Đó là nhờ vào việc áp dụng sản suất hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, được các tổ chức uy tín của thế giới đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn EU, USDA...  

Ông Trương Phước Anh - Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai: "Trong bối cảnh hồ tiêu Tây Nguyên chết trên diện rộng do dịch bệnh, nông dân thua lỗ nặng nề thì, mô hình trồng tiêu sạch, theo hướng hữu cơ bền vững như Hợp tác xã Nam Yang là đáng khuyến khích. Được biết sản phẩm hồ tiêu của Hợp tác xã được các thị trường khó tính như Mỹ, EU chấp nhận, với giá cao gấp đôi giá thị trường hiện tại".

"Theo ông Công là chết!"

Năm 2014, anh Nguyễn Tấn Công (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) quyết định đưa 4 ha hồ tiêu của mình vào chăm sóc theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Thời đó, giá hồ tiêu còn cao ngất ngưởng nên hầu hết các chủ vườn ở Tây Nguyên đều không tiếc tiền của, thi nhau "đổ" thuốc bảo vệ thực vật vào vườn tiêu, "bắt" cây tiêu phải cho năng suất thật cao.

Đi ngược lại với xu thế chung của hầu hết các chủ vườn, vì vậy không ít người gọi anh Công là "gã gàn", "gã khùng". Mặc kệ! Anh vẫn cứ cần mẫn và quyết tâm với mục tiêu của mình: Xây dựng cho riêng mình một vườn tiêu sạch, được khách hàng khó tính nhất cũng phải chấp nhận.

Tháng 8/2017, anh Nguyễn Tấn Công quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Nam Yang. Lúc đầu, hợp tác xã có 15 hộ tham gia, với 45 ha hồ tiêu và 20 ha cà phê.

Nói về thời gian đầu thành lập hợp tác xã, anh Công chia sẻ: Ban đầu, vận động mọi người tham gia hợp tác xã, đưa vườn cây vào chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững là việc làm vô cùng khó. Nguyên nhân thì có nhiều, bởi không nhiều nông dân có kiến thức, am hiểu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; bởi thói quen canh tác thiếu bền vững, bóc lột đất, bóc lột cây trồng để có được hiệu quả trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả dài lâu; bởi tư duy tự ngàn đời của nông dân là... sợ thất bại. Vậy nên, cứ làm như trước giờ, cho chắc!

Anh Công tâm sự: "Thời đó, người ta gọi tôi là gàn, là khùng. Thậm chí không ít người còn nói: Theo ông Công là chết!".

Tháng 12/2017, anh Công đã có 1,5 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ - là vườn tiêu được chứng nhận hữu cơ đầu tiên ở Gia Lai. Từ khi được chứng nhận hữu cơ, sản phẩm tiêu hạt từ vườn của anh đã có nhiều khách hàng trong nước tìm đến mua, giá bán cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá thị trường cùng thời điểm.

Nhân cơ hội này, anh Công tiếp tục vận động bà con trong vùng nên sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Khi bà con hiểu được rằng làm hồ tiêu hữu cơ chi phí không cao hơn cách làm truyền thống, nhưng lại có nhiều người tìm mua với giá cao gấp đôi; còn nữa, làm theo cách hữu cơ vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, vừa bảo vệ vườn cây phát triển bền vững... Từ đó, không ít hộ đã đưa vườn cây tham gia hợp tác xã.

Hiện hợp tác xã có 80 thành viên tham gia với 150 ha hồ tiêu, trên 100 ha cà phê được canh tác theo hướng hữu cơ. Vườn cây của hợp tác xã phát triển tốt, mơn mởn xanh - mặc cho đa số những vườn tiêu canh tác theo lối truyền thống đang bị bệnh mà chết.  

Anh Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Nam Yang: “Nhờ sản xuất sạch, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc nên những sản phẩm của HTX Nam Yang được thị trường bán lẻ và người tiêu dùng đánh giá cao. Đặc biệt, khi canh tác tiêu hữu cơ, chi phí sản xuất giảm nhiều, hạn chế dịch hại, giá bán thường gần gấp đôi so với giá tiêu trên thị trường”.

Thành công và mô hình nhân rộng

HTX Nam Yang ra đời trong bối cảnh hồ tiêu bi đát nhất: Dịch bệnh hoành hành, giá tiêu lao dốc thê thảm khiến không ít người hoài nghi về mức độ thành công của mô hình này. Tuy nhiên, bằng hướng đi mới, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn tiêu của HTX vẫn luôn tươi tốt, mang lại giá trị cao.

Vượt qua khó khăn, mạnh dạn trong cách nghĩ cách làm, đặc biệt trong việc áp dụng các biện pháp làm tiêu hữu cơ và các tiêu chuẩn an toàn khác, theo đó HTX Nam Yang đã có những sản phẩm chất lượng cao, đưa ra thị trường với thương hiệu Tiêu Lệ Chí được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Điển hình như tiêu hữu cơ (sạch 600 chất) gồm tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xanh; tiêu sạch (sạch 30 chất) gồm tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xanh, tiêu xanh chuỗi, tiêu xanh sấy khô, tiêu vàng, tiêu đa màu, tiêu xanh ngâm mắm, tiêu xanh chua ngọt… và các dòng tiêu VietGAP.

Đáng chú ý, bộ 3 sản phẩm hồ tiêu đỏ, hồ tiêu sọ, hồ tiêu đen Lệ Chí được công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Tháng 3/2019, tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union cấp chứng nhận hữu cơ USDA và EU cho các sản phẩm hồ tiêu của HTX.

Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Nam Yang - anh Nguyễn Tấn Công, cho biết: Hợp tác xã hiện có 16,5 ha tiêu được tổ chức Control Union kiểm định độc lập và chứng nhận đủ tiêu chuẩn EU (tiêu chuẩn châu Âu) và USDA (tiêu chuẩn của Mỹ). Một số vườn cây tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn USDA như 5 ha của hộ bà Nguyễn Thị Hoa, 1,8 ha của ông Nguyễn Văn Ban, hay hộ ông Đoàn Thâm với 2,5 ha...

"Sắp tới, sẽ có thêm 30 ha hồ tiêu của Hợp tác xã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn USDA" - anh Công vui vẻ cho biết.

Thương hiệu Tiêu Lệ Chí đạt tiêu chuẩn USDA.

Từ khi sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã được chứng nhận đạt chuẩn EU, USDA, có không ít doanh nghiệp lớn trong nước tìm đến thu mua, chế biến và xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ như Công ty Ned Spice, Công ty Sơn Hà, Công ty Hồ Tiêu Việt...

Nông dân Lê Trung Tín (thôn 5, xã Nam Yang) có 3 ha hồ tiêu, chăm sóc với phương pháp truyền thống. Hơn 3 năm trước, anh đưa vườn tiêu gia nhập HTX, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Vụ vừa rồi, trong bối cảnh hồ tiêu chết đồng loạt, nhưng vườn tiêu nhà anh vẫn thu được 6 tấn/ha.

Anh Tín cho biết: Nếu tiêu thường, chỉ được 40.000đ/kg, còn tiêu của anh bán với giá 90.000đ/kg. "Nếu không vào hợp tác xã, không canh tác theo phương pháp hữu cơ, có lẽ vườn tiêu của tôi cũng không còn. Vui nhất là mới đây, vườn tiêu của tôi đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP" - anh Tín vui vẻ cho biết.

Ở Tây Nguyên - tuy chưa thật sự nhiều, song cũng có một số nông dân như anh Nguyễn Tấn Công, mạnh dạn phá bỏ lề lỗi sản xuất cũ thiếu hiệu quả, thiếu khoa học để áp dụng biện pháp sản xuất hữu cơ bền vững. Nhiều trang trại trồng cây ăn trái, hồ tiêu ở Gia Nghĩa (Đăk Nông) đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA.

Ở Đăk Nông, điển hình có thể nhắc đến như Hợp tác xă Nông nghiệp Hữu cơ Đăk Nông: 30 ha tiêu của HTX này đă được tổ chức Control Union chứng nhận "Sản xuất hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA", theo đó giá bán tăng lên gấp đôi - điều mà mới hơn một năm trước thôi, nhiều người của HTX không dám nghĩ đến.

Từ thành quả trên, người dân nơi đây rất phấn khởi, mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Được biết, diện tich chuẩn bị được đánh giá đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA lên đến 300 ha...

Tiến sỹ Nguyễn Minh Châu (Viện Cây ăn quả miền Nam): Những người đi tiên phong sản xuất hữu cơ USDA ở Tây Nguyên xứng đáng được biểu dương, họ là những người đi đầu, có quyết tâm rất cao, biết vượt khó và tự mày mò làm việc, mà không có một tổ chức hay nhà khoa học nào bên cạnh.

Chính họ là những người đã mở ra hướng sản xuất mới, an toàn và bền vững cho cây tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường