Ông Nguon Lay, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot, cho biết vào cuối tháng 12 năm 2019, Hiệp hội đã bán khoảng 50 tấn hạt tiêu, thấp hơn so với mức 68 tấn trong năm 2018, theo Khmer Times ngày 3/1.
"Năng suất hạt tiêu đã tăng lên và chất lượng tốt", ông Nguon nhận định.
Trong khối lượng tiêu đã bán, 30% được tiêu thụ tại thị trường nội địa, chủ yếu là cho các cửa hàng du lịch và 70% được xuất khẩu.
"Doanh số bán hồ tiêu tại các cửa hàng lưu niệm ở Campuchia đã giảm. Trước đây họ có thể bán khoảng 7 - 8 tấn nhưng bây giờ chỉ bán được 1 - 2 tấn", ông Nguon cho biết thêm.
Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot có 455 thành viên gồm nông dân và các công ty có đồn điền hồ tiêu.
Các đồn điền này bao gồm 290 ha đất ở huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot.
Các thị trường chính của hạt tiêu Kampot là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Hay Ly Eang, Chủ tịch của Công ty Confirel - một trong những nhà xuất khẩu hạt tiêu Campuhia, cho biết chất lượng của hạt tiêu sẽ được nâng cao để duy trì nhu cầu ở nước ngoài.
Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot bán hạt tiêu đen với giá 15.000 USD/tấn, trong khi giá hạt tiêu đỏ và hạt tiêu trắng lần lượt là 25.000 USD/tấn và 28.000 USD/tấn.
Các sản phẩm hồ tiêu còn lại do nông dân lưu trữ có thể được rao bán tại thị trường nội địa nhưng mức giá thấp hơn, tùy thuộc vào nhu cầu, ông Nguon cho hay.
Hạt tiêu Kampot đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (GI) từ Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Sử dụng Chỉ dẫn địa lý đóng vai trò quan trọng trong việc chứng nhận chất lượng sản phẩm, được thực hiện theo phương pháp truyền thống hoặc được hưởng danh tiếng nhất định nhờ nguồn gốc địa lý của sản phẩm đó.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng