Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
EVFTA, CPTPP sẽ cứu ngành tiêu Việt Nam?
24 | 12 | 2019
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã kí kết gần đây như CPTPP và EVFTA được đánh giá là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 11 đạt 17 nghìn tấn, trị giá 40 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với tháng 10.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, xuất khẩu hạt tiêu đạt 267,3 nghìn tấn, trị giá 674,27 triệu USD, tăng 21,4% về lượng, nhưng giảm 6,1% về trị giá so với 11 tháng năm 2018.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt mức 2.522 USD/tấn, giảm 22,7% so với 11 tháng đầu năm năm 2018.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã kí kết gần đây như CPTPP và EVFTA được đánh giá là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu.

Đối với mặt hàng hồ tiêu, Hiệp định CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm Australia, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản.

Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh. Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hạt tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỉ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu.

Do vậy, Bộ Công Thương nhận định hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước CPTPP.

Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU.

Như vậy, đối với hồ tiêu, công tác đàm phán mở cửa thị trường về thuế quan, về qui tắc xuất xứ đã được thực hiện tốt trong thời gian qua.

Do đó, để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, qui tắc xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, trên thực tế, giá tiêu sẽ phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt, do đó, để nâng cao giá bán cho hồ tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch.

"Vì vậy, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế", Bộ Công Thương nhận định.

Theo Kinh tế và Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường