Đi dọc các vùng trồng tiêu lớn ở mảnh đất Tây Nguyên, không khó để nghe được câu chuyện của những nông dân mắc nợ vì tiêu. Giàu vì tiêu, nghèo vì tiêu, xa xứ cũng vì tiêu... Những vườn tiêu bạc tỷ năm nào giờ chỉ còn trơ lại những trụ gỗ hoặc xi măng khô khốc, đâm thẳng lên bầu trời xanh thẳm.
|
Anh Võ Hoài Nhơn bên những cọc tiêu trơ trụi, vườn tiêu đã thay bằng cây sắn. Ảnh: P.V |
Xơ xác vì bão giá, dịch bệnh
Đi dọc con đường dẫn vào thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) không khó bắt gặp những vườn tiêu giờ chỉ còn trơ lại cọc, xơ xác và hoang tàn. Một số vườn đã được người dân thay thế bằng những gốc cà phê đang bắt đầu lên xanh. Những vườn tiêu còn sót lại cũng úa vàng do đã lâu không được đầu tư chăm sóc; những tấm biển bán đất, bán rẫy treo hai bên đường phủ đầy bụi đỏ.
Đang tỉ mẩn lặt lá hai cây mai vàng trước cửa nhà để kịp nở vào dịp tết, thấy chúng tôi, anh Võ Hoài Nhơn ở thôn Hòa Bình dừng tay dẫn chúng tôi ra vườn tiêu ngay sau nhà nay đã được thay thế bằng những gốc sắn (mì) đang lên cao vút đầu người.
Kể từ khi cơn “bão giá” xảy ra, cộng thêm dịch bệnh, anh Nhơn phải gánh khoản nợ 300 triệu đồng. Không còn cách nào khác, anh đành phải rao bán một phần mảnh đất cả gia đình đang sinh sống, canh tác với hy vọng sẽ trả hết nợ ngân hàng và có vốn đầu tư vào các loại cây trồng khác.
“Lúc cao điểm, giá đất ở đây đã có người trả 40 triệu đồng/m2 nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, chẳng có ai hỏi mua” - anh Nhơn than thở.
Thi thoảng, anh vẫn nhận được tin nhắn, điện thoại từ phía ngân hàng đề nghị thanh toán số nợ gốc và lãi. Đất không bán được, anh đành vào Bà Rịa - Vũng Tàu làm thuê, diện tích trước đây trồng tiêu đã được phủ bằng những gốc sắn, vườn tiêu xanh tốt khi xưa chỉ còn lại một vài gốc tiêu èo uột và những trụ gỗ khẳng khiu.
Những câu chuyện như thế không hiếm gặp ở thôn Hòa Bình. Hàng xóm nhà anh Nhơn từng xây nhà kiên cố, sắm xe nhờ tiêu nhưng cũng vì tiêu đổ bệnh chết vàng cả rẫy rồi bão giá mà phá sản với món nợ hơn 1 tỷ đồng đè nặng lên vai. Gia đình xa cách vì chồng và con trai lớn phải nghỉ học đại học đi làm thuê, còn vợ và con út ở nhà chăm sóc vườn rẫy.
|
Đi qua những vùng tiêu ở Tây Nguyên, không khó để gặp những tấm biển rao bán đất như thế này. |
Người giàu cũng khóc
Những người nông dân ôm giấc mộng đổi đời với cây tiêu, vay mượn ngân hàng đầu tư vào loại cây này rồi ôm “quả đắng” đã đành, ngay cả những người có nhiều năm gắn bó với cây trồng này, trở thành tỷ phú vì nó cũng lao đao.
Ông Nguyễn Văn Tám (ở thôn Phú An, xã IaHrú, huyện Chư Pưh) là một ví dụ. Thời hoàng kim, gia đình ông có tới 5ha tiêu, (khi đó giá trên 200.000 đồng/kg), thu tới 3 - 4 tỷ đồng/năm. Con trai ông đang làm việc trong một cơ quan Nhà nước, thấy lợi nhuận hấp dẫn, bỏ việc về nhà lên rẫy trồng tiêu. Nhưng khi bệnh chết nhanh chết chậm quét qua rẫy tiêu, rồi giá tiêu cả năm chạm đáy, ông Tám không thu được một đồng nào.
“Khi tiêu còn vượng chỉ cần 1ha là có thu tiền tỷ, người người, nhà nhà đổ xô trồng tiêu. Tiêu cho lợi nhuận khủng, việc vay tiền ngân hàng cũng trở nên đơn giản. Vậy mà bão giá, dịch bệnh quét qua, bao nhiêu vốn liếng tích cóp hao hụt dần, hiện nhà tôi còn nợ ngân hàng 750 triệu đồng” – ông Tám than thở.
Nhưng ông Tám bảo, ông vẫn còn may mắn vì vẫn chưa phải dùng đến sổ đỏ vay ngân hàng lấy vốn trồng tiêu như nhiều gia đình ở thôn Phú An. Họ dùng mảnh đất mình đang sinh sống thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư, giờ trắng tay đành bỏ đi biệt xứ…
Ông Tám ước tính, chỉ tính riêng thôn của ông có đến 30% trong số 200 hộ vay ngân hàng tiền tỷ để trồng tiêu, hiện phần lớn không có khả năng trả nợ.
Gắn bó với cây tiêu từ năm 1999 nhưng ông Võ Văn Ký (cũng ở thôn Phú An) thừa nhận, chưa bao giờ ông thấy cuộc khủng hoảng của cây tiêu có tác động khủng khiếp như hiện nay.
“Khi tôi mới trồng tiêu năm 1999, giá khi đó chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Khi giá tiêu bắt đầu lên, có bao nhiêu vốn liếng tôi dùng mua gom đất mở rộng diện tích tiêu lên đến 3ha. Giờ thì chính thức phá sản. Lúc mua đất giá lên tới cả tỷ bạc 1ha, giờ hai ba trăm triệu chả ai hỏi đến. Diện tích trồng tiêu cũ tôi thay bằng mít Thái” - ông Ký nói.
Ông Ký cho rằng, những người như ông đánh bạc với tiêu có thể mất hết vốn liếng bao năm tích cóp nhưng không đến nỗi mất nhà cửa, ruộng vườn. “Tội nhất là những nhà dùng sổ đỏ để thế chấp vay tiền ngân hàng rồi vỡ nợ, phá sản vì tiêu khiến gia đình ly tán, nhiều người phải bỏ xứ đi làm thuê” – ông Ký than thở.
|
Những vườn tiêu chỉ còn trơ cọc, người dân thay thế bằng cây cà phê. |
Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) thừa nhận một thực tế, ngành tiêu đang trong thời kỳ thoái trào sau một thời gian tăng trưởng quá nóng. “Năm 2014 – 2015 là thời kỳ hoàng kim của cây tiêu khi giá lên tới 260.000 đồng/kg, phong trào trồng tiêu lên như vũ bão, không ai cản nổi, thậm chí nhiều diện tích rừng cũng bị những cọc tiêu lấn chiếm” – ông Bính nói.
Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Gia Lai, theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích trồng tiêu của tỉnh chỉ là 6.000ha nhưng thời kỳ đỉnh điểm, diện tích tiêu toàn tỉnh lên tới 16.300ha; cây tiêu vươn tới 13/17 huyện, thành phố của tỉnh. Sau cơn khủng hoảng, hiện Gia Lai còn 11.800ha tiêu, đã có 5.000ha tiêu bị dịch bệnh và chuyển sang cây trồng khác.
Ông Võ Quốc Trường – Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai) cho biết: “Khi đó không ai cản được phong trào trồng tiêu, giá lên cao quá, nhà nhà, người người trồng, cán bộ sợ vỡ quy hoạch xuống cảnh báo, can ngăn nhưng không được”.
Theo ông Trường, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên cây tiêu bùng phát nhanh và khó kiểm soát là do khi tiêu được giá người dân tích cực bón phân, ép tăng năng suất tiêu, giảm sức đề kháng của cây, phá vỡ hệ sinh thái trong đất khiến mầm bệnh phát triển...
Quay trở lại lặt từng chiếc lá để mai nở vàng dịp tết, anh Nhơn chỉ mong trong năm mới có công việc ổn định, mảnh đất có người hỏi mua với giá hợp lý để không còn canh cánh với nỗi lo nợ nần, bắt đầu đi tìm mô hình sản xuất mới.
Khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tháng 12/2019 ước đạt 17.000 tấn, với giá trị đạt 41 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hồ tiêu năm 2019 ước đạt 284.000 tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Năm 2019, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516USD/tấn, giảm 23,6% so với năm 2018. |
Theo Nông thông ngày