Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá hạt tiêu dự báo duy trì ở mức thấp trong năm 2020
03 | 02 | 2020
Giá hạt tiêu năm 2020 khó phục hồi sau khi suy giảm mạnh trong năm 2019 do dư cung. Nhu cầu hạt tiêu tại các nước tiêu dùng lớn vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Năm 2020, sản xuất hạt tiêu Việt Nam được cho là sẽ bội thu do diện tích trồng hạt tiêu tăng vọt trong năm 2017.

Thị trường nội địa hiện vẫn có tồn kho hạt tiêu ở mức cao từ vụ sản xuất trước, với nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tích trữ chờ giá tăng, theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu. Trên thị trường thế giới, sản lượng hạt tiêu năm 2020 có thể tăng tại một số nước sản xuất lớn. Tại Ấn Độ, sản lượng hạt tiêu ước đạt khoảng 61.000 – 62.000 tấn, tăng 30% so với năm 2019. Theo hiệp hội, Brazil có mô hình sản xuất ở mức chi phí rất thấp và năng suất cao. Các yếu tố này giúp hạt tiêu Brazil có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Với diện tích trồng hạt tiêu tăng mạnh tại nhiều nước trong giai đoạn 2016 – 2017, thị trường hạt tiêu toàn cầu dự báo duy trì mức nguồn cung cao tới ít nhất hết năm 2020.

Do đó, các chuyên gia hạt tiêu nội địa tin rằng giá hạt tiêu sẽ tiếp tục giảm trong năm 2020. Giá hạt tiêu có thể tiếp tục giảm xuống còn 36.000 – 38.000 đồng/kg, thậm chí có thể xuống 35.000 đồng/kg. Trong những ngày đầu tháng 1, giá hạt tiêu ở mức 39.000 – 42.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá hạt tiêu sẽ không giảm mạnh mà sẽ dao động trong khoảng 37.000 đồng/kg nhờ hoạt động mua vào của các nhà đầu cơ, theo nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

Giá hạt tiêu nội địa dự báo duy trì ở mức thấp cho tới cuối niên vụ, theo nhận định của Hiệp hội. Giá hạt tiêu dự báo tăng nhẹ trong năm 2021 và phục hồi mạnh từ năm 2022 khi sản lượng hạt tiêu nội địa và quốc tế đều giảm, hỗ trợ quá trình phục hồi giá trên thị trường nội địa và quốc tế. Nguồn cung hạt tiêu tương lai dự báo giảm do nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác.

Xuất khẩu

Năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp lượng xuất khẩu hạt tiêu ghi nhận các kỷ lục mới. Nhưng giá trị xuất khẩu hạt tiêu giảm so với năm 2018 do giá hạt tiêu thế giới giảm mạnh. Năm 2019, giá hạt tiêu xuất khẩu trung bình đạt 2.516 USD/tấn, giảm 23,6% so với năm 2018.

Theo Bộ NNPTNT, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 284.000 tấn, trị giá 715 triệu USD trong năm 2019, tăng 23,4% về lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 19,5%. Các thị trường xuất khẩu lớn kế tiếp là Ấn Độ, Đức và Hà Lan. Xuất khẩu hạt tiêu sang phần lớn các thị trường đều tăng mạnh về lượng nhưng giảm về giá trị.

Tuy nhiên, xuất khẩu hạt tiêu sang Đức tăng mạnh cả về lượng và giá trị. Xuất khẩu hạt tiêu sang Thái Lan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng trưởng cao. Xuất khẩu hạt tiêu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng 89,4% về lượng và 46% về giá trị, sang Nga tăng 40,6% về lượng và 10,3% về giá trị, sang Thái Lan tăng 34,8% về lượng và 0,6% về giá trị.

Năm 2020, thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường và cơ hội tốt cho ngành hạt tiêu nội địa để xúc tiến xuất khẩu sang EU, đặc biệt là thị trường Đức. Thỏa thuận này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam mở rộng các thị trường xuất khẩu và có thêm nhiều cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài vào khâu chế biến.

Theo VNS



Báo cáo phân tích thị trường