Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết giá mía trong nửa cuối tháng 1/2020 được giữ ổn định như lúc điều chỉnh tăng từ đầu tháng 12/2019 đến nay, các nhà máy đường đều đã áp dụng hoặc điều chỉnh giá mía 10 CCS tại ruộng lên 800.000 - 850.000 đồng/tấn.
Những nhà máy đường mới vào vụ ở khu vực miền Trung áp dụng giá mía 10 CCS tại ruộng 850.000 đồng/tấn làm cho nông dân phấn khởi, chưa kể có một số nhà máy đường còn có chính sách khuyến khích giá mía theo điều kiện và tình hình của từng đơn vị, đều có thông báo rộng rãi cho nông dân biết.
Với giá mía tăng nhằm bảo đảm thu nhập cho người trồng mía và khuyến khích trồng mới, phục hồi vùng nguyên liệu và sản lượng giảm hơn nhiều so với ước tính đầu vụ.
Theo đó VSSA uớc tính giá thành trung bình sản xuất 1 kg đường trắng của ngành đường Việt Nam trong vụ 2019/20 sẽ tăng thêm 300 - 600 đồng/kg, nằm trong khoảng 12.500 – 12.800 đồng/kg. Đường tinh luyện cao hơn đường trắng khoảng 1000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo VSSA ngành đường Việt Nam đang gặp khó vì những khách hàng công nghiệp truyền thống của ngành đường Việt Nam đều chưa đặt hàng cho năm 2020.
Cụ thể thông thường những năm trước đây những khách hàng công nghiệp này thường kí hợp đồng mua bán cả năm hoặc 6 tháng nhưng từ cuối năm 2019 do tâm lí việc thực thi ATIGA khiến nhiều khách hàng công nghiệp rất thận trọng trong việc kí hơp đồng mua đường, hầu kết khách hàng công nghiệp đều đang xúc tiến kế hoạch nhập khẩu đường.
Một số khách hàng đề nghị báo giá cho quí I/2020 nhưng chỉ chấp nhận giá tương đương hoặc thấp hơn giá đường nhập khẩu về tại thời điểm hiện nay, với chi phí mua mía 850.000 đồng/tấn tại ruộng, tương đương khoảng 1 - 1,05 triệu đồng/tấn tại nhà máy.
Như vậy giá thành đường của các nhà máy vẫn cao hơn giá nhập khẩu nên đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không bán được cho khách hàng công nghiệp.
Tình trạng mua hàng năm 2020 của một số khách hàng. Nguồn: VSSA.
Hiện các nhà máy đường đang hoạt động sau nghỉ tết khoảng gần 2 tuần đã hoạt động lại. Các nhà máy đường vào vụ muộn sau tết cũng bắt đầu hoạt động nên nguồn cung sẽ tăng lên.
VSSA cho rằng các nguồn cung vẫn dồi dào, dự trữ đường và đồ dùng có đường trong gia đình dịp tết vẫn còn, do đó không có hiện tượng thiếu hụt trong tháng 2/2020.
Đồng thời tình trạng đường sẽ không thiếu hụt trong thời gian gần nhưng giá trong nước do chịu tác động giá thế giới nên có xu hướng gia tăng để tiệm cận với giá thành sản xuất.
"Do giá đường thế giới tăng nên đường nhập khẩu theo ATIGA chưa nhiều, diễn biến thị trường đường trong nước sẽ lệ thuộc lớn vào diễn biến thị trường thế giới vì đánh giá vụ mùa 2019 - 2020 không đạt sản lượng như dự kiến ban đầu", VSSA cho hay.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng