Mới đây, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam.
Cụ thể, văn bản của Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết trong 5 năm gần đây giá bán lẻ mặt hàng đường Việt Nam luôn tăng cao hơn từ 20 - 30% so với đường Thái Lan, sản xuất trong nước chưa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng cả về chất lượng lẫn số lượng.
Do đó, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng.
Trong đó, đường nhập lậu chủ yếu từ Thái Lan qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam, miền Trung rồi đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ. Hoạt động này đang diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trước thực trạng này, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng hàng rào kĩ thuật đối với mặt hàng đường và một số mặt hàng khác liên quan đến thực phẩm, ảnh hướng sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chí về truy xuất nguồn gốc nước xuất khẩu, qui trình đóng gói, nhãn trên bao bì, tiêu chí về chất lượng sản phẩm.
Đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 qui định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng mức phạt tiền và hình thức phạt bổ sung đối với trường hợp cố ý vận chuyển hoặc vận chuyển nhiều lần mặt hàng đường nhập lậu.
Ngoài ra phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sửa đổi bổ sung qui định đối với mặt hàng đường phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Qui định truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường.
Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code,... nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một các nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường...
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo lực lượng hải quan phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát dọc khu vực biên giới, các đường mòn lối mở để ngăn chặn hành vi xuất nhập biên trái phép mặt hàng đường cát và chỉ đạo cơ quan thuế nội địa rà soát, xác minh các doanh nghiệp trọng điểm có dấu hiệu nghi vấn gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát...
Song song đó, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam cũng phải chủ động trong việc cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất và giảm giá thành, đây là yếu tố rất quan trọng để có thể cạnh tranh với mặt hàng đường của nước ngoài, Bộ Tài chính nhận định.
Các công ty, nhà máy sản xuất có cơ chế tạo liên kết chặt chẽ với nhà nông, từ khẩu phát triển giống, chăm sóc và thu hoạch, tạo vùng nguyên liệu trồng mía ổn định, người dân yên tâm với nghề trồng mía.
Cũng theo Bộ Tài chính các doanh nghiệp cần nghiên cứu, quản lí mặt hàng đường cát theo phương thức gắn chip điện tử, có kết nối với hệ thống dữ liệu của các cơ quan chức năng.
Dữ liệu sẽ được chia sẻ cho các nhà máy, Hiệp hội mía đường và có thể truy xuất được nguồn gốc để ngăn chặn hành vi buôn lậu đường cũng như hoạt động tiếp tay cho buôn lậu.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng