Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
2019: Một năm ác mộng với ngành đường
27 | 12 | 2019
Năm 2019 tiếp tục được coi là một năm "ác mộng" đối với ngành đường khi giá đường liên tục giảm, thậm chí có lúc xuống dưới giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, nạn đường lậu vẫn hoành hành khiến ngành này đã khó nay càng khó hơn.

ATIGA, đường nhập lậu, giá đường thấp - Cơn ác mộng của ngành đường

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hoạt động sản xuất mía đường trong niên vụ 2018 - 2019 không đạt như kế hoạch đề ra vì diện tích giảm, có nơi giảm đến 20 - 30%, năng suất cũng giảm so với kế hoạch, chỉ đạt 63,42 tấn/ha, chữ đường cũng giảm chút ít so với chữ đường vụ trước đạt 9,7 CCS.

Tổng sản lượng mía cung cấp nhà máy là 12,2 triệu tấn, sản xuất được gần 1,2 tấn đường.

Bên cạnh đó, giá đường xuống thấp dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, làm cho giá mía thấp theo. 

Mặc dù các nhà máy đường đã cố gắng kìm hãm giá mía lao dốc trong khi giá đường sụt giảm liên tục, nhưng bà con vẫn chuyển đổi cây trồng khác.

Cùng với đó, một số vùng bị hạn hán làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía. Một số nơi bị sâu bệnh cũng làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng giảm.

VSSA cho biết tồn kho tại các nhà máy đường đến khi kết thúc vụ khoảng 600.000 tấn, vẫn là năm có lượng tồn kho cao trong các năm gần đây.

So sánh kết quả sản xuất niên vụ 2018 - 2019 và 2017 - 2018. (Số liệu: VSSA. Đồ họa: Linh Phan)

“Ngay từ đầu niên vụ 2018 - 2019, dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, với lí do chống đường nhập lậu nhiều thành viên Hiệp hội đã thông báo bán phá giá đường dưới giá thành sản xuất.

Giá bán đường tuy thấp nhưng trong thời gian dài cũng không bán được, nhiều doanh nghiệp thành viên nợ cả tiền mía nông dân”, VSSA cho biết.

Hiệp hội cũng cho hay nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp đã cam kết mua mía với giá ổn định trước đó, thậm chí đã báo giá mua mía với giá rất thấp, dưới giá thành sản xuất.

Hiệp hội cũng thông tin thêm Chính phủ đã chấp thuận trong việc tiêu thụ đường qua đường mòn lối mở, cửa khẩu phụ tại Lào Cai, tuy nhiên hầu hết lượng đường xuất qua cửa khẩu này là đường sản xuất xuất khẩu nên không giải quyết được tồn kho đường sản xuất từ mía trong nước.

Hàng loạt ông lớn ngành đường gặp khó

Những ông lớn trong ngành đường Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong niên vụ 2018 - 2019 bởi giá đường giảm. Nhiều công ty mặc dù có doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm sút.

Niên vụ 2018 - 2019 (bắt đầu từ 1/7/2018 đến 30/6/2019), mặc dù doanh thu thuần của Công ty CP Mía đường Sơn La tăng 46% lên hơn 877,6 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm hơn 45% xuống 63,2 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức 13,3% giảm từ 41% so với niên vụ trước đó.

Giải thích nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, công ty cho biết giá bán đường niên vụ năm nay giảm hơn 6% xuống 9.616 đồng/kg. Giá mật rỉ cũng giảm 5,5% xuống 1.832 đồng/kg. Doanh thu từ mật rỉ trong giai niên vụ này cũng giảm mạnh hơn 26% xuống 29,1 tỉ đồng.

Tính đến ngày 30/6, khoản nợ ngắn hạn của Mía đường Sơn La là gần 592 tỉ đồng và dài hạn là hơn 205 tỉ đồn, giảm lần lượt 11% và 21% so với đầu niên vụ.

Trong báo cáo thường niên cho niên vụ 2018 - 2019, công ty cho biết do có vị trí địa lý giáp với Thái Lan nên hiệp định ATIGA là cơ hội lớn cho đường giá rẻ từ Thái Lan tràn vào Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường mía đường trong nước.

Cộng với các khó khăn từ đặc điểm bất lợi từ vùng nguyên liệu như khó cơ giới hóa, thổ nhưỡng, thời tiết không thuận lợi, cho đến trình độ công nghệ,… khiến giá đường trong nước khó có thể cạnh tranh với đường ngoại nhập chủ yếu từ Thái Lan.

"Thực tế khi ATIGA chưa có hiệu lực, công ty đã phải giảm giá bán khiến biên lợi nhuận dần giảm sút. Nếu không có biện pháp ứng phó thích hợp thì hiệu quả kinh tế sẽ giảm sút thậm chí có thể dẫn đến tình trạng càng sản xuất càng thua lỗ", Mía đường Sơn La nhận định.

Tương tự với mía đường Sơn La, mặc dù doanh thu của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa tăng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm sút.

Theo đó, trong niên vụ 2018 - 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa năm nay ghi nhận tăng 10% so với niên vụ 2017 - 2018 lên hơn 11.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận của công ty giảm 2,3 điểm phần trăm xuống 2,8%. Lợi nhuận sau thuế giảm 42% xuống 545 tỉ đồng.

Tính riêng quí cuối cùng của niên vụ 2018 - 2019, lợi nhuận sau thuế của Thành Thành Công - Biên Hòa giảm 80% xuống 29,4 tỉ đồng.

Giải thích cho sự sụt giảm mạnh này, công ty cho biết đơn giá bán bình quân thấp hơn so với cùng kì, trong khi lượng đường tồn kho vụ trước với giá vốn cao vẫn còn và tiếp tục chuyển qua vụ này.

Bên cạnh đó, tác động giá đường thế giới giảm mạnh và lượng đường nhập lậu qua biên giới tăng, làm giá đường trong nước liên tục sụt giảm. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm giảm lợi nhuận sau thuế.

Chi phí bán hàng cả niên độ tăng 26,3% so với cùng kì. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng tiêu thụ toàn ngành tăng từ 571.502 tấn lũy kế cả niên độ 2017 - 2018 lên 748.632 tấn toàn niên độ này.

Công ty đã đầu tư vào hệ thống phân phối phát triển kênh tiêu dùng, kênh khách hàng vừa và nhỏ để đảm bảo tính bền vững và ổn định, và đẩy mạnh kênh xuất khẩu. Điều này đã làm tăng chi phí bán hàng so với cùng kì.

CTCP Mía đường Lam Sơn ghi nhận doanh thu tăng tới gần 31% so với niên vụ 2017 - 2018 lên 1.759 tỉ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm tới 67% xuống 1.323 tỉ đồng. Giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp tăng tới 37% lên 1.619 tỉ đồng.

So sánh doanh thu, lợi nhuận của một số công ty đường qua từng niên vụ 2018 - 2019. Đồ họa: H.Mĩ

Khác với các doanh nghiệp trong ngành, sữa đậu nành mới là sản phẩm chủ lực đem về doanh thu cho Đường Quảng Ngãi, đây cũng là doanh nghiệp đứng đầu về thị phần sữa đậu nành với thương hiệu Vinasoy.

Hoạt động sản xuất đường hiện chỉ đóng góp 1/5 trên tổng doanh thu của Đường Quảng Ngãi và cũng đóng vai trò cung cấp nguyên liệu cho mảng sữa đậu nành.

9 tháng đầu năm 2019, doanh thu sản xuất đường của công ty này đạt 1.268 tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kì năm trước đó.

Diện tích mía niên vụ 2019 - 2020 dự kiến giảm

VSSA dự kiến diện tích mía đường cả nước trong niên vụ 2019 - 2020 đạt hơn 157.800 ha giảm 18% so với niên vụ 2018/2019. Sản lượng đường dự kiến giảm 17,5% xuống còn gần 968.000 tấn.

Trong năm 2019, VSSA tiếp tục kiến nghị gia hạn thực hiện mở cửa ngành đường đến năm 2025. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hộI Thạch Phước Bình, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết điều này là khó khả thi.

Theo Thủ tướng, năm 2018, Chính phủ đã cho phép trì hoãn thời hạn xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường trong ASEAN đến năm 2020 để ngành mía đường Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị.

"Như vậy, nếu tính từ năm 2005 khi các nước ASEAN bắt đầu thiết lập cộng đồng kinh tế thì ngành mía đường có tổng cộng 15 năm để chuẩn bị hội nhập.

Nếu tiếp tục hoãn thực thi cam kết đối với mặt hàng đường các nước có thể có những biện pháp trả đũa và yêu cầu đền bù, ảnh hưởng về mặt kinh tế và uy tín của Việt Nam là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020", Thủ tướng cho biết.

Trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Thạch phước Bình về khó khăn của ngành đường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết việc mở cửa thị trường trong thương mại quốc tế không có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh không công bằng.

Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu để tham mưu tiếp tục áp dụng các nguyên tắc và biện pháp phòng vệ được ATIGA cho phép như quyền đánh thuế chống trợ cấp để đảm bảo cạnh tranh công bằng, quyền áp dụng trở lại các rào cản thuế và phi thuế để bảo vệ sản xuất trong nước trước sự gia tăng đột ngột của hàng nhập khẩu khi cần thiết.

VSSA đã có văn bản gửi tới Bộ Công Thương nhất trí chủ trương của Bộ Công Thương thực thi cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường từ ngày 1/1/2020.

Tuy nhiên, VSSA đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương xem xét thiết lập cơ chế quản lý, giám sát cần thiết nhằm ngăn chặn một cách hợp pháp, kịp thời những tác động tiêu cực của hội nhập đối với ngành mía đường trong nước.

Theo KTTD



Báo cáo phân tích thị trường