Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) tính đến 15/12 các nhà máy ép được khoảng 321.300 tấn mía, sản xuất được gần 27.150 tấn đường trong vụ sản xuất 2019 - 2020.
Về diễn biến giá đường, thông tin từ Tổ chức đường thế giới ISO cho biết giá đường thế giới ngày 13/12 đạt 357,6 USD/tấn đối với đường trắng và 13,56 cents/lb đối với đường thô.
Giá bán buôn trên thị trường trong nước dao động tùy theo phẩm cấp đường như chất lượng, cỡ hạt.
Biến động giá đường trong tháng 12. Nguồn: VSSA
Tại ĐBSCL, nhà máy đường Phụng Hiệp và Sóc Trăng đã điều chỉnh giá mía tăng từ 760.000 đồng/tấn mía tại ruộng lên 800.000 đồng/tấn mía. Chi phí vận chuyển khoảng 80.000 đồng - 100.000 đồng/tấn tùy cự li.
Tại Thanh Hóa giá mía đầu vụ là 820.000 đồng/tấn tại ruộng, nếu có hỗ trợ thì tăng hơn chút ít, chi phí vận chuyển cũng khá cao, có thể lên đến 100.000 đồng/tấn tùy cự li vận chuyển.
Các nhà máy đường vào vụ vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 đều đã áp dụng hoặc điều chỉnh giá mía 10 CCS tại ruộng lên 800.000 đồng/tấn, chưa kể có một số nhà máy đường còn có chính sách khuyến khích giá mía theo điều kiện và tình hình của từng đơn vị.
Đặc biệt là mía trong hợp đồng đầu tư như La Ngà giá mía tại ruộng 830.000 đồng/tấn, mía vận tải xa giá tại bàn cân nhà máy lên đến 1.010.000 đồng/tấn.
Giá đường lậu Thái Lan trong nửa đầu tháng 12/2019 tại một số tỉnh thành gồm TP HCM dao động trong khoảng 11.600 – 11.900 đồng/kg, các thành phố, thị xã miền Trung trong khoảng 11.500 – 11.700 đồng/kg, Hà Nội và các thành phố quanh Hà Nội trong khoảng 11.500 – 11.700 đồng/kg.
Theo VSSA giá đường thế giới qua đầu tháng 12/2019 có xu hướng tăng dần, đường thô trên sàn giao dịch New York vượt ngưỡng 13 cents/lb, đến 12/12 đạt gần 13,6 cents/lb. Đường trắng trên sàn Luân Đôn đến 6/12 vượt ngưỡng 350 USD/tấn, đến 13/12 đạt 357,6 USD/tấn.
Nhìn chung giá đường đang có xu hướng tăng nhưng chưa cao để ảnh hưởng tới thị trường nội địa Việt Nam, trong khi thị trường nội địa Việt Nam bị tác động nặng nề bởi đường nhập lậu và gian lận thương mại.
Cụ thể, giá đường không biến động tăng mặc dù xảy ra việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) của Bộ Công an đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức thực hiện việc buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam ngày 3/12/2019 tại An Giang.
Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ có vẻ chậm lại, thông tin thị trường cho hay nguyên nhân có thể một phần do nhu cầu không tăng nhưng phần lớn đánh giá do đường lậu hoạt động mạnh, nguồn cung và tồn trữ đường lậu dồi dào trong thị trường.
"Hiện nay đường lậu bán khắp các tỉnh thành và nông thôn trong cả nước chứ không như trước đây chỉ một số tỉnh thành thuận lợi cho đường lậu. Người dân còn phát hiện các vùng ven TP HCM và các tỉnh lân cận đường lậu được các xe tải nhỏ chở đi bán khắp nơi như các xe bán trái cây", Hiệp hội mía đường Việt Nam thông tin.
Ngoài ra vụ mía đường 2019 - 2020 vào chậm hơn các vụ trước, hầu hết các nhà máy đường vào vụ này đều đã ép với công suất thấp so với công suất thiết kế vì việc cung cấp mía đầu vụ có bị thiếu hụt và một số nhà máy thì dây chuyền sản xuất vào hoạt động chưa được suông sẻ ở đầu vụ.
Vào cuối tháng 12/2019 dự kiến sẽ có một số nhà máy đường miền Bắc và Tây Nguyên vào vụ như Sơn Dương, An Khê (Quảng Ngãi).
Dự báo tiêu thụ kém và tính trạng đường lậu Bắc vào Nam
Theo VSSA, thông thường dự báo nhu cầu đường sẽ tăng vào thời gian cuối năm và chuẩn bị cho Tết nguyên đán, trong khi tồn kho tại các nhà máy đường còn thấp nhưng thị trường có dấu hiệu tiêu thụ chậm lại.
Các nhà máy đường vào sản xuất tháng 12/2019 và tháng 1/2020 sẽ cung ứng khá cho thị trường.
Ngoài ra nguồn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 sẽ bổ sung nếu nhu cầu tăng và đường lậu vẫn là nguồn cung bất hợp pháp nhưng dồi dào vì hoạt động đường lậu vẫn hoành hành do đó sẽ không thiếu hụt đường trong tháng 1/2019.
Cũng theo Hiệp hội Mía đường hiện nay đang giảm nhẹ và vấn đề đáng quan tâm là tiêu thụ kém bởi và đã có tình trạng đường từ Bắc đi ngược vào Nam, trong đó có đường lậu mà thông tin thị trường cho biết là nguồn gốc từ Lao Bảo.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng