Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường lại giảm cuối năm?
10 | 12 | 2019
Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ đường tăng cao để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nên đường lậu về nhiều. Giới buôn lậu nắm thông tin rất chắc các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng nên họ đối phó dễ dàng và giá cả lên xuống tùy thuộc phần lớn từ giá đường lậu.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), giá bán buôn đường kính trắng tháng 11 trên thị trường ổn định ở mức 12.500 – 13.000 đồng/kg, giá ổn định tới hết tháng nhưng tiêu thụ rất kém do đường lậu về nhiều.

So với trước, giá có tăng lên nhờ các đợt kiểm tra đường lậu của các cơ quan chức năng, nhưng đầu tháng 12, đường lậu về nhiều trở lại nên giá có xu hướng giảm. Giới buôn lậu nắm thông tin rất chắc các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng nên họ đối phó dễ dàng và giá cả lên xuống tùy thuộc phần lớn từ giá đường lậu. 

Cuối tháng 11/2019 và đầu tháng 12/2019 có một số nhà máy đường (NMĐ) miền Bắc và Bắc Trung bộ vào vụ như Cao Bằng, Hòa Bình, Việt Đài, Nghệ An, Sông Lam, Sông Con. Lam Sơn vào vụ ngày 6/12/2019 và Nông Cống vào vụ từ ngày 2/12.

Biến động giá đường trong tháng 11. Nguồn: VSSA

Tháng 12, nhu cầu đường sẽ tăng vào thời gian cuối năm để chuẩn bị cho Tết nguyên đán Canh Tý, tồn kho tại các NMĐ còn thấp. Các NMĐ sản xuất tháng 12/2019 sẽ bắt đầu cung ứng khá cho thị trường, dù nguồn dự trữ vẫn ổn. 

Ngoài ra, nguồn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 sẽ bổ sung nếu nhu cầu tăng, và đường lậu vẫn hoạt động mạnh. 

Giá đường lậu Thái Lan trong tháng 11 tại một số tỉnh thành gồm TP HCM dao động khoảng 11.600 – 12.400 đồng/kg, các thành phố, thị xã Miền Trung khoảng 11.600 – 11.800 đồng/kg, Hà Nội và các thành phố xung quanh khoảng 11.600 – 11.900 đồng/kg.

Cuối tháng 11, giá đường lậu có xu hướng giảm do lượng về nhiều. Tại TP HCM ngày 30/11 có giá 12.000 - 12.200 đồng/kg. Các điểm biên giới ghi nhận giá đường lậu thấp hơn như Biên giới Tây Nam, Đồng Hới, Lao Bảo...

Ngày 26/11, Bộ Công thương tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019. 

Có 8 doanh nghiệp tham gia, trong đó 6 doanh nghiệp đấu giá đường tinh luyện, 2 doanh nghiệp đấu giá đường thô. Kết quả, đường tinh luyện đạt tổng cộng 11.000 tấn, đường thô 15.000 tấn.

Niên vụ 2019/2020 bắt đầu từ tháng 10/2019. Theo đó, NMĐ Phụng Hiệp hoạt động sớm nhất từ ngày 10/10, sau đó là NMĐ Sóc Trăng ngày 11/11 và NMĐ Long Mỹ Phát mới hoạt động trong tháng 12.

Niên vụ 2018/2019 kết thúc vào tháng 6/2019. Kết quả sản xuất ép được hơn 12 triệu tấn mía, sản xuất gần 1,18 triệu tấn đường.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, NMĐ Phụng Hiệp và Sóc Trăng điều chỉnh giá mía tăng từ 720.000 đồng/tấn ở ruộng lên 760.000 đồng/tấn. Chi phí vận chuyển khoảng 80.000đồng đến 100.000 đồng/tấn tùy khoảng cách.

Tại Thanh Hóa, giá đầu vụ 820.000 đồng/tấn ở ruộng, nếu có hỗ trợ thì tăng không nhiều, chi phí vận chuyển cũng khá cao, có thể lên đến 100.000 đồng/tấn tùy nơi.

Theo Kinh tế tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường