Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết mạnh tay ngăn chặn đường lậu
07 | 11 | 2019
Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết phối hợp Hiệp hội Mía đường cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông để có giải pháp kịp thời ngăn chăn đường nhập lậu.

Nguy cơ bị các nước trừng phạt vì lùi thời gian mở cửa thị trường đường

Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết khi kí kết Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) các nước trong nội khối đã cam kết mở cửa thị trường đường từ năm 2018. 

Tuy nhiên, Việt Nam là nước cuối cùng mở cửa thị trường trong nội khối ASEAN khi xin lùi thời gian xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đến 1/1/2020.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ ra rằng thời gian qua năng lực cạnh tranh của ngành đường còn nhiều hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. 

"Nếu không khắc phục được nguyên nhân chủ quan thì năng lực cạnh tranh của ngành đường tiếp tục thấp và gây ra hậu quả không chỉ cho ngành mía đường mà còn những người tham gia chuỗi sản xuất trong đó có cả người nông dân", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Bộ trưởng cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan là năng lực cạnh tranh của các nước ngoài rất lớn và có nhiều lợi thế hơn so với ngành đường Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Brazil...

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho biết một vấn đề lớn khác đó đường nhập lậu thực sự đang trở thành nguy cơ lớn và qui mô lớn ngày càng tinh vi và phức tạp. 

"Đây cũng là nội dung trong quản lí nhà nước của lực lượng quản lí thị trường. Chúng tôi đã có những đề án cụ thể để phối hợp với bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ngành mía đường để bảo vệ thị trường trong nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

"Chúng tôi cam kết phối hợp Hiệp hội Mía đường cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông để có giải pháp kịp thời ngăn chăn đường nhập lậu. Tuy nhiên, bản thân ngành đường vẫn phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập", Bộ trưởng khẳng định.

Tại buổi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nói thêm về cơ chế mở cửa đối với ngành đường trong bối cảnh hội nhập ATIGA. 

Theo đó, trong cuộc họp của hội đồng kinh tế ASEAN hai năm qua, các nước đã chính thức phản ứng đối với việc Việt Nam lùi mở cửa thị trường đường đến năm 2020.

"Thậm chí có nguy cơ họ sẽ áp dụng các hình thức trừng phạt và rút các cam kết đối với các lĩnh vực khác của Việt Nam. Nếu tiếp tục gia hạn nữa, thì điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tiến trình hội hập của chúng ta", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định

Ngoài ra, ông cũng bổ sung thêm trong tiến trình hội nhập, Việt Nam vẫn có những cơ chế phòng vệ thương mại. Trong trường hợp ngành đường bị đe dọa, Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp đó để bảo vệ hoạt động sản xuất mặt hàng này trong nước.

Cần đưa cơ khí hóa vào địa hình cho phép

Trước đó, trả lời phiên chất vấn hôm qua (6/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết riêng khâu giống mục tiêu đưa ra là hệ thống giống 3 cấp, cố gắng trong thời gian ngắn nhất khoảng 2 - 3 năm phủ kín 100% diện tích để đẩy năng suất cây mía từ 66 tấn/ha lên 80 - 100 tấn/ha thì mới cạnh tranh được. 

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần cơ khí hóa tại những địa hình cho phép.

Hiện nay, cả nước có 41 nhà máy với tổng trữ lượng gần 2 triệu tấn, trong đó chỉ 31 nhà máy có công suất  3.000 tấn/ngày, những nhà máy này mới cạnh tranh được, còn những nhà máy chỉ công suất 6.000 - 8.000 tấn/ngày rất ít.

"Vì vậy ngành mía đường phải kiện toàn để đảm bảo có đủ nhà máy có sức mạnh, qui mô nhất định, đủ năng lực cạnh tranh về công suất", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.

Ngoài ra, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết: "Điểm thứ ba rất quan trọng là chuỗi đường phải dài ra, chúng ta phải tận dụng tốt chuỗi giá trị của ngành mía đường".

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường