Theo VSSA, ngành mía đường Việt Nam đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn và kéo dài của hệ thống buôn lậu đường qua biên giới và gian lận thương mại đường lậu.
Đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh có đường biên như An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị…
Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sang chiết đóng gói, sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.
Ngoài ra, còn một phương thức đang được các đối tượng buôn lậu sử dụng là chế biến đường kính trắng thành đường phèn, loại mặt hàng chưa có bất cứ hành lang pháp lí nào để kiểm soát.
Theo đó, VSSA cho rằng: "Hành lang pháp lí để quản lí hoạt động chế biến, sang chiết đóng gói mặt hàng đường vẫn đang tồn tại những bất cập và sơ hở khiến cho các đối tượng phạm pháp có thể lợi dụng".
Bởi, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết hoạt động sản xuất chế biến mía đường về bản chất là loại hình kinh doanh có điều kiện và phải gắn liền với cây mía.
Tuy nhiên, Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về việc qui định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm không gắn hoạt động sản xuất sang chiết đóng gói đường với yêu cầu về vùng nguyên liệu hoặc nguồn đường sản xuất tại các nhà máy đã được cấp phép đang bị nhiều đối tượng lợi dụng.
Nhiều địa phương không trồng mía cũng cấp phép mở cơ sở sản xuất, sang chiết, khiến các đối tượng chuyên buôn lậu đường thuận lợi trong việc sang chiết đường nhập lậu, đồng thời hợp thưc hóa đường nhập lậu thành đường Việt Na
Do đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho điều chỉnh khẩn cấp các qui định liên quan đến quản lí hoạt động sản xuất sang chiết đóng gói mặt hàng đường.
Cụ thể điều chỉnh Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3/12/2014 bằng việc bổ sung Điều 18.
"Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đối với mặt hàng đường phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam", VSSA kiến nghị.
Đồng thời, với Thông tư số 01/VBHN-BNNPTNT ngày 18/5/2018 cần điều chỉnh Điều 7.
"Yêu cầu truy xuất nguồn gốc thuộc Chương II truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lí thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn, đối với mặt hàng đường hồ sơ truy xuất phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết phối trộn đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của VSSA", Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng