Ngày 20/8, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo về việc nhận được văn bản của Hiệp hội Mía đường Viêt Nam (VSSA) về kiến nghị ngừng xuất khẩu mặt hàng đường theo loại hình sản xuất xuất khẩu qua đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản đến các Bộ để nghiên cứu, xử lí theo chức năng, nhiệm vụ được giao và trả lời cho Hiệp hội mía đường Việt Nam, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 8/8/2019, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị ngừng xuất khẩu mặt hàng đường theo loại hình sản xuất xuất khẩu qua đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai đến Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Cụ thể, VSSA cho biết, sau hơn một năm thực hiện thí điểm xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, gồm cả mặt hàng đường qua các đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đến này chỉ có hai đơn vị tham gia xuất khẩu.
Theo đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng mục tiêu hỗ trợ ngành đường và nông dân trồng mía trong việc giải quyết tồn kho tại các nhà máy bằng cách xuất khẩu mặt hàng đường qua đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai như đề xuất của Hiệp hội đã không thể đạt được.
"Cho đến nay, khó khăn của ngành đường và nông dân trồng mía càng tăng thêm đến mức cùng cực dẫn đến khả năng một số nhà máy phá sản, nông dân không thể tiếp tục trồng mía", VSSA nhận định.
Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét chỉ đạo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lào Cai, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải Quan chỉ cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng đường sản xuất từ mía 100% mía nguyên liệu trong nước qua đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai
Đồng thời, chỉ đạo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lào Cai, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải Quan ngừng ngay lập tức việc xuất khẩu đường theo loại hình "sản xuất xuất khẩu" qua tất cả các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai.
Ngày 22/6/2018 Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có Công văn số 58/CVHHMĐ gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc "tháo gỡ khó khăn xuất khẩu mặt hàng đường quađường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai".
Trong công văn trên Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã trình bày: "Về tiêu thụ, tuy giá bán đang ở mức thấp nhưng việc tiêu thụ rất chậm và lượng tồn kho tại các nhà máy đường vẫn lớn, đến ngày 15/6/2018 tồn kho tại nhà máy khoảng 700 nghìn tấn….
Do việc tồn kho lớn chưa tiêu thụ được, cộng với hạn mức tín dụng tại các ngân hàng đã hết, nên nhiều nhà máy đang nợ tiền mía nông dân hàng trăm tỉ đồng (Công ty đường Cần Thơ: 110 tỉ đồng, Công ty đường Trà Vinh: 70 tỉ đồng, Công ty đường Sóc Trăng: 100 tỉ đồng), Nhà máy đường: Bình Định, NIVL đã phải trả tiền mía nông dân bằng đường.
Trong những ngày qua tại các nhà máy đường: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, nông dân đã tập trung đông người tại nhà máy yêu cầu thanh toán tiền mía gây mất an ninh trật tự địa phương".
Do vậy Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị: "để hỗ trợ ngành mía đường và nông dân trồng mía giảm bớt khó khăn nêu trên, trong khi chờ giải quyết tổng thể việc mở cửa trở lại các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kính đề nghị Phó Thủ tướng chủ trì họp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài chính và Ngoại giao, xem xét cho phép xuất khẩu mặt hàng đường qua các lối mở: Bản Quẩn, Na Lốc, Lũng Pô, Nậm Sò và cửa khẩu Mường Khương, Bản Vượt đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai công bố đủ điều kiện".
Sau đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cho phép thực hiện thí điểm xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (bao gồm cả mặt hàng đường) qua các đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai.
|
Theo Kinh tế & Tiêu dùng