Ngày 8/8 vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã có văn bản số 7552 gửi tới các DN về việc tạm ngừng tạm nhập, tái xuất đường qua cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trên thực tế, Bộ đã tạm ngừng cấp phép hoạt động tạm nhập, tái xuất đường từ nhiều tháng trước.
Ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Hiệp hội mía đường tại miền Bắc cho biết, việc Bộ Công thương chấp thuận với đề xuất tạm ngừng tạm nhập, tái xuất đường qua cửa khẩu phụ của Hiệp hội sẽ giúp ngành mía đường trong nước phần nào bớt khó khăn do gánh nặng tồn kho.
Hoạt động tạm nhập tái xuất đường rất nhộn nhịp ở nước ta trong năm 2012-2013, tuy nhiên, cơ quan hải quan đã phát hiện hàng chục ngàn tấn đường sau khi tạm nhập đã không tái xuất đúng quy định mà thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ. Cùng với đường nhập lậu ùn ùn đổ vào nước ta qua biên giới Tây Nam, đường thẩm lậu qua con đường tạm nhập tái xuất đã "đánh" đường nội tơi tả. Lý do là đường trong nước cao hơn đường lậu 3.000- 4.000 đồng/kg.
Được biết, tính đến 4/8, cả nước vẫn còn 414.000 tấn đường tồn kho, việc xuất khẩu đường tiểu ngạch diễn ra khá chậm dù Bộ Công thương không hạn chế số lượng xuất khẩu.
Áp lực với sản xuất mía đường trong nước đang tăng dần bởi theo Hiệp định thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), đến năm 2015, thuế nhập khẩu đường sẽ giảm về 0% (hiện là 5%). Chưa kể, nếu TPP được ký kết, đường giá rẻ từ các nước ngoài Asean cũng sẽ tràn vào nước ta.
Hiện nay, giá đường tại Việt Nam gần như cao nhất thế giới, khoảng 50 USD/tấn trong khi giá đường Brazin chỉ 12 USD/tấn, đường Thái Lan là 25 USD/tấn. Nguyên nhân là do năng suất mía ở nước ta thuộc vào loại thấp nhất thế giới: chỉ 64 tấn mía và 5,4 tấn đường/ha trong khi con số này ở Thái Lan là 100 tấn mía, 8 tấn đường và Brazin là 120 tấn mía, 12 tấn đường.
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, các DN mía đường cần nhanh chóng tái cơ cấu toàn diện, áp dụng khoa học kỹ thuật và giống mía mới vào sản xuất nếu không muốn đóng cửa khi đường ngoại giá rẻ tràn vào.
Nguồn: Báo đầu tư