Trong văn bản về việc phối hợp kiểm soát ngăn chặn hoạt động của các đối tượng buôn lậu đường và gian lận thương mại đường nhập lậu của Hiệp Hội mía đường Việt Nam (VSSA) gửi các hội viên hiệp hội mía đường Việt nam ngày 9/8 mới đây cho biết, Ngành Mía đường Việt Nam đang ở trong giai đoạn vô cùng khó khăn.
Theo VSSA, một trong những nguyên nhân chính đã được xác định là tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn và kéo dài của hệ thống buôn lậu đường qua biên giới và gian lận thương mại đường lậu.
Diễn biến các hoạt động nhập lậu đường và gian lận thương mại đường bắt đầu từ năm 1999 kéo dài cho đến nay, quy mô tăng dần qua các năm đến nay đã đến tình trạng tràn lan đường lậu, quy mô gia tăng không thể kiểm soát, tác hại mang tính hủy diệt ngành mía đường.
Các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu đã nhiều năm hoạt động công khai, thách thức hệ thống quản lí nhà nước.
Hiệp hội mía đường Việt Nam đã gửi thông tin của các đối tượng này đến các cơ quan quản lí nhà nước và đề xuất khẩn trương triển khai các hoạt động điều tra kiểm soát ngăn chặn hoạt động của các đối tượng buôn lậu đường và gian lận thương mại đường nhập lậu trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời sớm bổ sung hoàn thiện hàng lang pháp lí nhằm khắc phục các bất cập và sơ hở của các qui định quản lí hiện hành đang bị các đối tượng trên lợi dụng. Tuy nhiên các thông tin vẫn chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho vụ sản xuất 2019 - 2020 sắp đến, Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam chủ trương xây dựng giá mía bảo đảm thu nhập để người nông dân an tâm sản xuất, nhà máy có nguyên liệu duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, việc xây dựng giá mía bảo đảm thu nhập cho người nông dân trong vụ sản xuất sắp tới hầu như không thể thực hiện được vì giá đường hiện đang quá thấp mà vẫn không thể tiêu thụ do các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu không thể khống chế.
|
Ngành mía đường Việt Nam đang đối mặt tình trạng buôn lậu đường qua biên giới và gian lận thương mại đường lậu. (ảnh minh họa, nguồn: Bộ Công thương). |
Do đó, Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam đề nghị các đơn vị thành viên phối hợp trong việc kiểm soát ngăn chặn hoạt động của các đối tượng buôn lậu đường và gian lận thương mại đường nhập lậu và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu vì liên quan đến sự sống còn của ngành.
Cụ thể, các đơn vị cần thiết lập hệ thống theo dõi kiểm soát việc tiêu thụ đường lậu tại địa phương. Đặc biệt tại các thị trường chính như Hà Nội, TP HCM, Đà nẵng, Hải phòng, Cần Thơ rất cần cung cấp thông tin của các đơn vị thương mại đường.
Song song đó, cập nhật thông tin hàng tuần đến Hiệp Hội về các hoạt động của đường lậu và các cá nhân tổ chức đang kinh doanh đường nhập lậu. Các thông tin cần có đủ chi tiết để Hiệp Hội có đủ thông tin và chứng cứ để làm việc với các cơ quan bảo vệ pháp luật nhà nước nhờ can thiệp.
Các thông tin cần được cung cấp gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số Giấp phép Kinh doanh của cá nhân tổ chức đang thực hiện hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, tên phương tiện vận chuyển hàng lậu như số xe, tên tài xế, chủ xe và lượng đường lậu thực hiện trong tuần.
Ngoài ra, các đơn vị có thể gửi các thông điệp đến các các cá nhân tổ chức đang kinh doanh đường nhập lậu, kêu gọi sự hợp tác của họ trong việc tiêu thụ đường trong nước, chấm dứt không kinh doanh tiêu thụ đường lậu.
Đồng thời cảnh báo sẽ kêu gọi các thành viên Hiệp Hội không cung cấp đường cho các cá nhân tổ chức đó nếu tiếp tục hoạt động kinh doanh đường nhập lậu.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng