Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Reuters: Ấn Độ giữ trợ cấp xuất khẩu đường bất chấp phản đối từ các quốc gia đối thủ
22 | 07 | 2019
Ấn Độ sẽ giữ trợ cấp xuất khẩu đường bất chấp khiếu nại từ các nước sản xuất đối thủ Brazil và Australia gửi lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mặc dù họ sẽ điều chỉnh lại cách hỗ trợ.

Các khoản trợ cấp xuất khẩu được đưa ra để tăng xuất khẩu từ nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới và giảm hàng tồn kho.

Nhưng điều này có thể gây áp lực lên giá toàn cầu, hiện chỉ tăng 2,1% trong năm nay sau khi giảm hơn 20% trong năm 2018.

Một quan chức chính phủ cao cấp tham gia hoạch định chính sách tại Ấn Độ cho biết: "Ngành đường cần sự hỗ trợ của chính phủ cho xuất khẩu. Hỗ trợ sẽ được phân phối mà không vi phạm khuôn khổ WTO. Chúng tôi cần thực hiện một số thay đổi trong cách cung cấp các ưu đãi".

Tuy nhiên các quan chức chính phủ và ngành đường không cho biết họ đang dự định thực hiện loại thay đổi nào, mặc dù đang tìm kiếm hướng dẫn từ các chuyên gia WTO.

Nhiều năm thu hoạch mía bội thu và sản lượng đường kỉ lục đã cản trở giá đường tại Ấn Độ, khiến các nhà máy khó có thể trả nợ cho nông dân.

Để giảm nợ và giảm hàng tồn kho, New Delhi cho biết vào tháng 9/2018 rằng đưa ra các ưu đãi cho các nhà máy để xuất khẩu đường ra nước ngoài và đặt mục tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn trong niên vụ 2018 - 2019 kết thúc vào ngày 30/9/2019.

Xuất khẩu đường của Ấn Độ đã tăng từ 620.000 tấn trong niên vụ trước lên 3,3 triệu tấn. Điều này khiến các nước đối thủ phàn nàn tại WTO, cho rằng các ưu đãi của Ấn Độ đã vi phạm các qui tắc thương mại.

Chính phủ Brazil hôm 11/7 cho biết đã yêu cầu WTO thành lập một ban hội thẩm nhằm giải quyết tranh chấp về trợ cấp đường của Ấn Độ. Australia và Guatemala cũng gửi khiếu nại vào ngày 11/7.

Ấn Độ đã cung cấp các khoản trợ cấp vận chuyển từ 1.000 - 3.000 rupee/tấn cho các nhà máy đường, tùy thuộc vào khoảng cách đến các cảng.

Chính phủ cũng đã tăng số tiền mà họ trả trực tiếp cho người trồng mía từ 55 rupee/tấn trong năm ngoái lên 138 rupee/tấn.

Ngày 10/7, các quan chức ngành công nghiệp và chính phủ Ấn Độ đã thảo luận về cách cung cấp các ưu đãi trong niên vụ mới bắt đầu từ ngày 1/10/2019 như thế nào mà không vi phạm các quy tắc của WTO.

Một quan chức trong ngành, người tham gia vào cuộc thảo luận cho biết: "Chính sách xuất khẩu cho niên vụ tiếp theo có thể được hoàn thành vào đầu tháng 8/2019".

Tăng hạn ngạch xuất khẩu đường vào mùa tới?

Abinash Verma, tổng giám đốc Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA), cho biết các nhà máy đang yêu cầu chính phủ khuyến khích xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn đường trong mùa tới.

Prakash Naiknavare, giám đốc điều hành của Liên minh Hợp tác xã Đường Quốc gia (NFCSF), cho biết thông báo về chính sách xuất khẩu sẽ giúp các nhà máy quyết định nên sản xuất đường thô hay đường trắng để xuất khẩu vào đầu niên vụ tiếp theo.

Theo truyền thống, các nhà máy Ấn Độ sản xuất đường trắng để tiêu thụ trong nước nhưng họ sẽ sản xuất đường thô trong những năm có thặng dư để hỗ trợ xuất khẩu. 

Đường thô dễ dàng tiêu thụ hơn so với đường trắng trên thị trường thế giới.

Trong niên vụ tới, sản lượng đường của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm 18% so với niên vụ trước sau khi hạn hán trong năm ngoái buộc nông dân phải hạn chế trồng mía và vì mưa ít, gió mùa yếu hơn trong năm nay đã hạn chế sự tăng trưởng của cây trồng.

Theo ước tính của ISMA, Ấn Độ có thể bắt đầu niên vụ mới với lượng tồn kho hơn 14,7 triệu tấn và có thể sản xuất thêm 28,2 triệu tấn trong niên vụ này, trong khi nhu cầu trong nước vào khoảng 26 triệu tấn.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường