Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường thế giới dự báo tăng trước tình trạng thâm hụt niên vụ 2019 - 2020
18 | 06 | 2019
Theo đại diện các nước tại Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4, thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang thâm hụt trong niên vụ 2019 - 2020 sau khi thặng dư trong các niên vụ trước, do đó giá đường dự báo có chiều hướng tăng.

Thị trường đường chuyển sang tình trạng thâm hụt

Tại Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4 ngày 17/6, đại diện Hiệp hội mía đường các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam thảo luận xoay quanh những chủ đề quan trọng của ngành mía đường tình hình thị trường đường, vấn đề thương mại, thị trường và chính sách phát triển sản phẩm ngoài đường...

Theo đại diện các nước Đông Nam Á, thị trường đường thế giới đã chuyển sang tình trạng thâm hụt 1,9 triệu tấn trong niên vụ 2019 - 2020 so với thặng dư 2,55 triệu tấn vào 2018 - 2019.

Sự thay đổi một phần được nhận ra bởi dự báo sản lượng của Ấn Độ giảm xuống 29,5 triệu tấn trong năm 2019 - 2020 từ 32 triệu tấn trong năm 2018 - 2019.

Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu đường cũng ngày càng tăng lên, khiến khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng rõ nét.

Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4 (ảnh: MA)

Nhiều nước tăng nhập khẩu đường

Đại diện Malaysia cho biết, tổng lượng đường thô nhâp khẩu của nước này trong nửa đầu năm 2019 khoảng 688.000 tấn. Riêng công ty CJ Bio/Akema, chuyên sử dụng đường từ Bờ Đông Malaysia để sản xuất amino axit cho thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu lên đến 80.000 tấn đường mỗi năm.

Theo vị đại diện này, lượng đường nhập từ Thái Lan sẽ tăng lên vào năm 2020 vì chi phí vận chuyển rẻ hơn so với đường Brazil.

Trong khi đó, từng là quốc gia xuất khẩu đường đứng thứ 2 thế giới nhưng đến nay, Indonesia lại nhập khẩu đường hàng đầu thế giới, nhiều hơn cả Trung Quốc. Đại diện nước này cho biết thêm, giai đoạn 2000 - 2008, Indonesia sản xuất 1,5 - 2,8 triệu tấn đường.

Tuy nhiên những năm gần đây, con số này đã giảm xuống, trong đó năm 2018 là 2,2 triệu tấn, năm 2019 là 2,1 triệu tấn.

Sản lượng đường tiêu thụ hàng năm của Indonesia ở mức 6 triệu tấn, do đó tồn tại một khoảng thiếu hụt cần phải bù đắp bằng nhập khẩu.

Trước diễn biến trên, đại diện các nước tại hội nghị cho rằng, thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang thâm hụt trong niên vụ 2019 - 2020 sau tình trạng thặng dư trong các niên vụ trước, do đó giá đường được dự báo sẽ có chiều hướng tăng tích cực.

Theo đại diện Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar), đây sẽ là cơ hội của các công ty hoạt động trong lĩnh vực mía đường, hiện công ty đang sở hữu thị phần đường khá lớn trong nước.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường