700.000 đồng/tấn: Mức giá thua mua "tử thần" đối với dân trồng mía
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2018 - 2019 là năm thứ ba liên tiếp ngành mía đường chịu tác động tiêu cực của khí hậu, thời tiết, giá đường thị trường trong nước và quốc tế. Kết quả sản xuất của nhiều nhà máy đường giảm sút và thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính quí I của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty giảm 39% so với cùng kì năm ngoái xuống 128,7 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế giảm tới 87% xuống chỉ còn 5,2 tỉ đồng. Tiền trả cho nhân công cũng giảm gần một nửa so với quý I/2018 xuống còn gần 13 tỉ đồng.
Đối với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, trong quý II/2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm tới hơn 64% xuống 75,5 tỉ đồng. Giai đoạn này công ty lỗ ròng 3,1 tỉ đồng trong khi cùng kì lợi nhuận sau thuế đạt 2,1 tỉ đồng.
Hiệp hội Mía đường cho biết từ niên vụ 2015 - 2016 đến niên vụ 2018 - 2019, đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, thậm chí có một số nhà máy đã mất vốn chủ sở hữu.
Hộ trồng mía khốn đốn, sản xuất mía thu nhập thấp, một số vùng thua lỗ phải bỏ ruộng chuyển sang cây trồng khác. Điều này kéo theo diện tích mía nguyên liệu trên cả nước giảm 30 - 60%.
Thiếu mía nguyên liệu, các nhà máy duy trì sản xuất công suất mức thấp. Một số nhà máy phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 hoặc trong năm 2020.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Đường Biên Hòa, cho biết trong niên vụ mía 2018 - 2019, nhiều doanh nghiệp mía đường thu mua mía của dân chỉ với giá 700.000 đồng/tấn.
"Đây được xem là mức giá "tử thần" đối với người trồng mía. Nhiều hộ buộc phải chặt bỏ cây mía chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn", ông Lộc cho biết.
Tại miền Bắc, Công ty Mía đường Sơn La xoay xở tiền để mua mía với giá 800.000 đồng/tấn.
Trả lời phỏng vấn người viết, ông Lò Văn Đanh, ở bản Nong Te, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho biết: "Nếu nhà máy đường trả giá 700.000 đồng/tấn thì chắc tôi phải chuyển sang loài cây khác chứ giá đó không thể làm được".
Chia sẻ với người viết, đại diện của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết, năm nay công ty mua mía của dân với giá 750.000 - 800.000 đồng/tấn mía tại ruộng. Những vùng nguyên liệu mía có năng suất kém, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng.
"Tinh luyện đường từ đường thô là làm giàu mía đường nước khác"
Ông Thái Văn Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Mía đường Sơn La, cho biết trước tình trạng thiếu mía nguyên liệu, một số nhà máy đường đã lựa chọn phương án nhập đường thô nước ngoài để sản xuất.
Tuy nhiên, điều này trực tiếp gây tổn hại đến nông dân trồng mía trong nước và làm giàu cho ngành đường nước ngoài, ông Hùng nhận định.
Ông Hùng cũng cho biết việc sản xuất đường qua đường thô không hiệu kinh tế quả. Đầu tiên, nếu sản xuất đường bằng mía sẽ tận dụng được bã mía để tạo ra điện phục vụ ngược trở lại cho hệ thống tinh luyện đường.
Còn đối với sản xuất đường từ đường thô phải sử dụng các nguyên liệu như than đá sản xuất điện hoặc sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, trong khi giá của hai nguyên liệu này đang tăng.
Ngoài ra, việc nhập đường thô từ nước ngoài thì giá đường trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá đường nước ngoài.
Theo đánh giá của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hoạt động nhập lậu, gian lận thương mại đường chính là nguyên nhân dẫn đến khó khăn ngành đường hiện nay.
Bên cạnh đó, theo ông Lộc, hầu hết nước trồng mía lớn trên thế giới đề có chính sách hỗ trợ ngành này, do đây được coi là cây giúp người dân xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng