Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiếng kêu xé lòng của nông dân trồng mía Phú Yên
08 | 08 | 2019
Cây mía đã giúp nhiều nông dân Phú Yên thoát cảnh bữa no bữa đói, nhà tranh vách đất. Nhưng chính cây mía lại đang có nguy cơ đẩy người nông dân vào cảnh tái nghèo.

Tồn kho kỷ lục

Hiện nay, ở các vùng trồng mía phía Nam, nơi thời tiết hạn hán kéo dài, những cánh đồng mía nửa năm không được giọt nước, đùng đùng bốc cháy giữa trưa hè.

Đứng trên cánh đồng chỉ còn lại lác đác những cây mía lá xanh, những người nông dân gương mặt khắc khổ nói với chúng tôi bằng giọng nghẹn ngào: “Hôm nay được biết có các nhà báo từ Trung ương về, chúng tôi rất mừng. Mừng vì chúng tôi có một lần gián tiếp gửi đi thông điệp đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Để các cấp lãnh đạo thấy được sự khó khăn khốn cùng của người nông dân. Nếu không được giúp đỡ cho bà con nông dân chúng tôi chỉ có cách bỏ hoang ruộng đất, nhà máy phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy trong thời gian tới”.

Chưa bao giờ ngành mía đường lại ngập trong khó khăn như hiện nay. Hiện tại, cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường. Riêng Công ty CP Mía đường Sơn La lượng đường đang ùn ứ gần 40.000 tấn đường với giá trị tương đương 500 tỷ đồng. Công ty CP Mía đường Tuy Hòa đến thời điểm này vẫn khoảng 15.000 tấn đường nằm im trong kho tương đương hơn 170 tỷ đồng “bất động”… Đây là mức tồn kho kỷ lục từ trước đến nay.

Doanh nghiệp mía đường Việt Nam bị cho là không còn sức cạnh tranh, nhiều nhà máy đứng trước nguy cơ phải tạm dừng sản xuất, thậm chí có thể phá sản. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện có 17/30 nhà máy sản xuất đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Nguyên nhân đường tồn kho tăng được chỉ rõ là do lượng đường ngoại nhập tăng. Cùng với lượng đường theo chiêu trò “tạm nhập tái xuất” nhưng không xuất mà tiêu thụ ở thị trường nội địa là lượng đường nhập lậu ngày càng tăng cao.

Nếu trong giai đoạn 1999-2008, lượng đường nhập lậu chỉ khoảng 100.000 tấn/năm thì đến giai đoạn 2009-2015, lượng đường nhập lậu gấp 3 lần trước đó khoảng 350.000 tấn/năm.

Từ niên vụ 2015-2016, đường nhập lậu và gian lận thương mại có khối lượng ước tính khoảng 700.000 tấn/năm. Đến nay, mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng nhiều doanh nghiệp mía đường cho rằng số lượng đường tồn kho chắc chắn sẽ tăng lên so với trước đó rất nhiều.

Không thể cạnh tranh với đường lậu, doanh nghiệp đường khó khăn, thua lỗ đương nhiên kéo theo hàng vạn hộ nông dân trồng mía gặp khó. Giá mía thu mua của 3 vụ mùa gần đây liên tục giảm sâu.

Thu hoạch không đủ tiền trả cho nhà máy do ứng vốn trước để mua giống, mua phân, thuốc bảo vệ thực vật… nhiều hộ dân đã tính chuyện bỏ mặc cây mía, ruộng đất hoang hóa để tìm đến các thành phố làm thuê. Những hộ dân bám trụ lại với ruộng đồng luôn nhấp nhổm lo âu khi tin tức về giá mía ngày một thêm ảm đạm.  

Nghiên cứu giống mía riêng

Ông Võ Văn Út thôn Tân An, xã Suối Bạc, Sơn Hòa, Phú Yên, đã 20 năm gắn với nghề trồng mía, từ chỗ chỉ 2-3ha thì hay đã tăng lên 47ha.

Không chỉ ông Út mà hầu hết những hộ dân trồng mía nơi đây đã thoát nghèo, không còn đói cơm, không còn nhà tranh vách đất. Nhưng 3 năm trở lại đây, đường nhập lậu từ Thái Lan tăng, nhà máy đường không bán được hàng, lượng đường tồn kho lớn, công ty phải giám giá thu mua mía. Thời tiết khắc nghiệt hạn hạn kéo dài khiến năng suất mía thấp. Những điều này đã đẩy nhiều nông dân như ông Út vào hoàn cảnh khó khăn.

“Tôi được biết, đầu năm tới ngành mía đường chính thức hội nhập. Hiện chúng tôi đang rất khó khăn, mong muốn Chính phủ nên gia hạn thời gian hội nhập cho ngành đường thêm 5 năm nữa để bà con thích ứng. Trình độ của bà con văn hóa còn thấp, mới hết lớp 5, việc tiếp cận với khoa học kĩ thuật còn chậm do đó chúng tôi cần có thời gian”, ông Út nói.

Người đàn ông gắn với cây mía nhiều năm than thở về việc không có một bộ giống mía riêng của Việt Nam. “Giống toàn phải lấy ở Tây Ninh nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc về. Nên khi chúng tôi tiếp cận giống thì giống đã sử dụng ở họ 10 năm rồi. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp sớm xem xét để có nghiên cứu khoa học về một bộ giống mía riêng cho nông dân Việt Nam”.

Nói về mong muốn, ông Út bày tỏ nguyện vọng được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu Chính phủ không hỗ trợ trực tiếp được cho nông dân thì có thể hỗ trợ cho các nhà máy đường để phát triển các sản phẩm phụ như điện sinh khối, xăng ethanol… từ đó, nhà nước mua với giá cao hơn, họ lấy nguồn vốn để có thể thu mua mía cho bà con với giá cao hơn.

Tại huyện Sơn Hòa đã có 10.000 hộ nông dân ký hợp đồng với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Nhiều nông dân như ông Út nói họ e sợ nếu không được hỗ trợ thì chỉ có cách bỏ hoang ruộng đất, nhà máy phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy trong thời gian tới.  

Trắng tay

“Gia đình trồng mía từ năm 1984 đến nay, diện tích trồng từ xưa khoảng 40ha, giờ chia bớt cho con cái, người thân nên chỉ còn hơn chục ha. Chúng tôi đã lựa chọn kỹ rồi, ngoài cây mía ra vùng này không thể trồng cây gì khác”, ông Đoàn Đắc Miên, xã Sơn Nguyên, Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, nói.

Từ năm 2002, người dân trồng mía bắt đầu có cơm ăn áo mặc, có tiền tiêu, có xe máy, nhà cửa… Nhưng 3 năm trở lại đây thì trắng tay rồi, không còn gì nữa, thậm chí  không trả được lãi ngân hàng. Cũng  do chủ quan nghĩ rằng cây mía ổn định nên tôi đã đầu tư máy móc thiết bị, san bằng ruộng đất mương máng hồ ao để trồng mía. Tiền bạc mang đi đầu tư hết, giờ thua lỗ nên hết sức khó khăn.

Với tư cách là thành viên của Hiệp hội Mía đường, cũng là nông dân trực tiếp trồng mía kỳ cựu nhất của huyện, ông Miên đề nghị các cấp chính quyền xuống tận nơi để nghiên cứu thực trạng này, từ đó có quyết sách cụ thể để giúp người dân không tái nghèo và đặc biệt là vỡ nợ ngân hàng.

“Tôi vay ngân hàng nông nghiệp 3 tỷ đồng không có lãi trong thời gian 2,5 năm để mua máy cày, hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ cao… theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Nhưng vì bán mía lỗ nên không có tiền trả lãi cho ngân hàng”, ông Miên nói.

Bên ruộng mía, ông Miên buồn rầu lo lắng về viễn cảnh hội nhập: “Giá mía xuống thấp, riêng gia đình tôi hai vụ vừa rồi phải bù lỗ 400 triệu tiền chặt mía. Giờ biết trồng cây gì đây? Trồng sắn, ớt, dưa chỉ là trồng cho vui chứ làm gì có đầu ra ổn định”.  

Bỏ chạy

Ông Lê - Mô - YĐênh, buôn Quang Dù, Đức Bình Tây, Sông Hinh, Phú Yên, người Êđê, kêu gọi các cơ quan chức năng ngăn chặn đường nhập lậu, bởi nó đang khiến buôn làng lâm vào cảnh bỏ của chạy lấy người. Nhà ông YĐênh trồng mía từ năm 1999, đến nay vừa đúng 20 năm, trên diện tích hơn 8 ha.

Nông dân này kể rằng trong quá trình trồng mía, được nhà máy đường tạo điều kiện cho mượn phân, giống.

“Nhờ trồng mía mà đợt xưa thuận lợi có vụ lãi 300-400 triệu đồng, gia đình khấm khá hơn, có điều kiện xây được cái nhà sàn, mua được xe máy”, ông nhớ lại.

Song đó đã trở thành dĩ vãng bởi vài năm nay, do nắng hạn kéo dài, giá thu mua mía của công ty xuống thấp. Nhiều hộ nông dân vì trồng mía không có lãi thậm chí còn lỗ nên đã kéo nhau vào miền Nam làm trong các khu công nghiệp.

Ông tính kế trồng mía nửa diện tích, phần còn lại trồng hoa màu khác. Nhưng những loại hoa màu này cho thu nhập thấp, không ổn định.

Cây mía chỉ trồng 1 năm nhưng ăn được 3-4 năm rồi mới trồng lại. Làm sao giá mía nhà máy thu mua cho người nông dân ít nhất cũng ở mức 850.000 đồng/tấn trở lên thì người dân mới có chút lãi và yên tâm trồng mía được”, ông Yđênh nói.

“Tôi chỉ mong sớm ngăn chặn được đường bên ngoài nhập vào. Theo tôi được biết, đường đó giá rẻ hơn đường trong nước nên nếu đường của mình phải hạ giá thì nhà máy đường khó khăn, nông dân trồng mía cũng sẽ lao đao”.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường