Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nản lòng người trồng mía
13 | 11 | 2007
Người trồng mía Long An đang lao đao không phải do vụ mía bị thiệt hại hay giá mía sụt giảm, mà do cách tính chữ đường. Diện tích trồng mía ở huyện Bến Lức đang giảm cũng do chuyện "chữ đường".

Người dân cho rằng, có sự không minh bạch, thiên vị, thậm chí tiêu cực trong cách tính chữ đường. Vụ mía năm nay, cả hai nhà máy đường ở Long An của Cty TNHH NIVL và Cty CP đường Hiệp Hoà cùng mua với giá 385.000đ/tấn đối với mía 10 chữ đường và giảm 25.000đ/tấn với mỗi chữ đường giảm. Nghịch lý ở chỗ, với cùng 1 ruộng mía, thu hoạch cùng thời điểm, nhưng đôi khi có sự chênh lệch từ 3 đến 5 chữ đường nếu chuyên chở mía trên những phương tiện khác nhau. Cùng một lô mía, tuỳ người giao mà chữ đường cũng khác. Người trồng mía vì vậy không dám giao mía trực tiếp cho nhà máy, mà phải qua thương lái, qua "cò", nhưng số phận của họ không vì thế mà bớt phần bấp bênh.

Người nông dân không có phương tiện để kiểm đối chứng chữ đường. Người mua bảo bao nhiêu chữ đường thì người bán phải chịu bấy nhiêu. Người trồng mía từ lâu đã kiến nghị, việc xác định chữ đường nên nhờ một cơ quan trung gian, chứ không nên để cho người mua "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Lý do, vì như thế không thể tránh khỏi những tiếng còi "đen", tiếng còi lệch lạc, làm nản lòng "người chơi". Hoặc đơn giản hơn, người trồng mía kiến nghị có thể học cách thực hiện "cân đối chứng" ở các chợ. Người mua có thể cân lại món hàng đã mua để yên tâm rằng mình không bị người bán cân thiếu. Nhưng đó là người mua kiểm tra người bán.

Còn chuyện người bán "cân đối chứng" để kiểm tra người mua, như trong việc xác định chữ đường cho mía thì chưa có tiền lệ. Vì vậy mà người trồng mía vẫn cứ nắm dao đằng lưỡi, ai không chịu được thì bỏ "cuộc chơi", phá bỏ mía để trồng cây khác!



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường