Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường không thiếu, nhưng nhà máy vẫn tăng giá
20 | 07 | 2011
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã khẳng định không thiếu đường, đồng thời kiến nghị ngưng nhập khẩu nhưng mới đây các nhà máy đường lại đồng loạt nâng giá đường trắng loại 1 (RS) lên 18.900 đồng/kg, tăng 10,5% so với cách nay hai tháng.

Trước thực trạng này, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã kiến nghị tiếp tục cho nhập khẩu đường để bình ổn thị trường. Đường bán sỉ tăng giá ngay lập tức tác động đến giá bán lẻ. Ngày 19.7, khảo sát tại chợ lẻ, các cửa hàng tạp hoá trên địa bàn TP.HCM, đường túi RS tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg, lên mức 21.500 – 22.000 đồng; đường RE dao động từ 24.000 – 26.000 đồng/kg, mức xấp xỉ cơn sốt giá hồi cuối năm ngoái.

Giá đường tăng giữa thời điểm nguồn cung không hề thiếu. Hiệp hội Mía đường tính toán sản lượng đường niên vụ 2010 – 2011 cao hơn khoảng 260.000 tấn so với năm ngoái, tức khoảng 1,15 triệu tấn. Đến giữa tháng 6.2011, các nhà máy còn tồn kho 347.000 tấn đường (chưa kể lượng đường đang tồn ở khâu thương mại). Nếu cộng thêm lượng đường đã cấp phép nhưng chưa nhập khoảng hơn 120.000 tấn, nguồn cung đường đủ đáp ứng nhu cầu mỗi tháng trên 100.000 tấn cho đến khi vào vụ ép mía mới vào giữa tháng 10 tới.

Chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long, trong cuộc họp cuối tuần qua giải thích giá đường nội địa tăng do có sự đối lưu với giá thế giới.

Giữa tháng 7 này, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8, tháng 9 leo lên 750 USD/tấn, nếu mua ngay phải trả thêm 70 USD, tăng gần 100 USD so với cuối tháng 4, đầu tháng 5.2011. Tuy nhiên, do việc nhập khẩu đường đã bị giãn qua tháng 8, thay vì tháng 7 như đã cấp phép nên tại thời điểm này, không có doanh nghiệp nào nhập khẩu đường về bán.

Ngày 19.7, đường Thái Lan nhập lậu bán lẻ trên thị trường dao động 21.000 – 21.500 đồng/kg, tăng 2.000 – 3.000 đồng so với cách nay hai tháng. Giám đốc một nhà máy đường thừa nhận, các nhà máy thường căn cứ vào sự lên xuống của đường Thái Lan nhập lậu để điều chỉnh giá bán sỉ đường.

Chính nhu cầu sử dụng đường cho mùa sản xuất bánh kẹo phục vụ Trung thu, lễ tết cuối năm tăng nên lượng đường tiêu thụ từ đầu tháng 7 cao hơn đáng kể so với các tháng trước là nguyên nhân giúp nhà máy tăng giá. Theo tính toán của hiệp hội Mía đường, các tháng từ đầu quý 3 đến hết năm, lượng đường tiêu thụ cao hơn 20.000 – 30.000 tấn so với mức trung bình 90.000 – 95.000 tấn. Nhu cầu tăng, là cơ hội để các nhà máy có thể cân đối, điều tiết lượng đường ra thị trường, qua đó dễ dàng nâng giá bán.

Giám đốc một doanh nghiệp thương mại chiếm thị phần chi phối tại TP.HCM cho biết, khoảng hai tuần nay, các nhà máy đường bắt đầu khống chế lượng bán ra.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường