Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ATIGA cận kề, VSSA đề xuất Thủ tướng giải pháp khẩn cấp bảo vệ ngành đường
20 | 12 | 2019
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là Hiệp định ATIGA chính thức thực thi, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị Thủ Tướng Chính Phủ cân nhắc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, nhằm bảo đảm công bằng và bảo vệ người sản xuất đường Việt Nam.

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có văn bản đề xuất các giải pháp khẩn cấp bảo vệ nông dân trồng mía khi ngành đường hội nhập ATIGA thời điểm 1/1/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, theo VSSA hiện nay hầu hết nhà máy đều đã hoặc chuẩn bị vào vụ ép mía 2019 - 2020, nhằm bảo đảm người nông dân bán được mía và thu được tiền mía đã bán cho nhà máy, tạm thời qui định tất cả loại đường nhập khẩu sau thời điểm 1/1/2020 sẽ phải đưa vào kho ngoại quan hoặc kho dự trữ.

Và chỉ được đưa vào lưu thông, phân phối, sử dụng tại thị trường nội địa khi đã kết thúc vụ ép mía, đường sản xuất từ mía trong nước đã tiêu thụ hết và được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép theo từng giai đoạn, thời điểm và số lượng cụ thể. 

Đồng thời các cơ quan quản lí Nhà nước đã hoàn chỉnh các hàng rào kĩ thuật liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm của sản phẩm đường nhập khẩu và các qui định ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đường nhập khẩu. 

Do đó, nhằm bảo đảm người nông dân được hưởng giá mua mía đủ thu nhập, VSSA đề xuất tạm thời qui định nhập khẩu đường là ngành kinh doanh có điều kiện chỉ dành cho các nhà máy đường, với điều kiện phải đảm bảo giá mua mía cho nông dân đủ bù đắp chi phí và có lãi nhưng không cao hơn giá mía mà nông dân hai nước Indonesia và Philippines đã và đang nhận được. 

Số lượng đường nhập khẩu cho mỗi nhà máy đường tương ứng theo tỉ lệ nhất định với số lượng mía mua của nông dân. 

Ngoài ra, đường nhập khẩu phải thông qua cơ chế đấu thầu cấp phép cho tiêu dùng nội địa, tương tự như mô hình đấu giá nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mà Nhà nước đang áp dụng trong khuôn khổ WTO. 

VSSA cho rằng cơ chế quản lí theo đấu thầu đối với đường nhập khẩu sẽ giúp giảm thiểu chi phí ngầm, tăng cường tính minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và đặc biệt là có thể kiểm soát chặt chẽ được thị trường và cung cầu đường trong nước.

Hoạt động trợ giá và duy trì hệ thống hai giá để đưa đường phá giá ra thị trường quốc tế của Thái Lan đã diễn ra nhiều năm và đã được tổ chức đường thế giới ISO, WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác và chính Thái Lan xác nhận. 

"Chính loại đường phá giá này là nguồn gốc đường nhập lậu đã nhiều năm liên tục tràn vào Việt Nam qua biên giới Campuchia và Lào, hủy diệt ngành đường Việt Nam. Các bằng chứng và sự cần thiết phải có hành động tự vệ như vậy đã quá rõ ràng", VSSA nhận định.

Theo đó Hiệp hội đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai ngay việc điều tra chống bán phá giá mà không cần chờ hành động khởi xướng điều tra. Và các hoạt động nhập khẩu đường sẽ chỉ trở lại bình thường sau khi kết thúc quá trình điều tra chống bán phá giá và áp thuế chống phá giá phù hợp. 

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng nếu như việc bảo hộ của Thái Lan, Indonesia, Philippines là phù hợp với ngoại lệ theo Điều XX của GATT/WTO hay Điều 8 (Ngoại lệ chung) hay Điều 9 (Ngoại lệ vì lí do an ninh), thì cũng đồng nghĩa Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp tương tự. 

Tuy nhiên, nếu các biện pháp này vi phạm thì Việt Nam có quyền đề xuất thảo luận với các nước liên quan và trong thời gian thảo luận sẽ chưa thực hiện cam kết ATIGA với các quốc gia này, cụ thể Indonesia, Philippines và đặc biệt với Thái Lan. 

"Việc áp dụng các đề xuất trên để bảo vệ nông dân trồng mía là hoàn toàn tương đồng với các qui định và thông lệ mà các nước đang sản xuất mía đường của ASEAN đã và đang áp dụng từ nhiều năm và chắc chắn sẽ không gặp sự phản đối nào trong khối ASEAN – ATIGA", Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam nhận định tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo Kinh tế và Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường