Thách thức trong ngắn hạn
Từ 1/1/2020, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ khu vực ASEAN chính thức được xoá bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường mía vào Việt Nam sẽ là 5%. Ngành mía đường trong nước đang gặp phải nhiều thách thức trong ngắn hạn khi đường giá rẻ cạnh tranh không lành mạnh chuẩn bị nhập vào Việt Nam.
Áp lực lên các nhà máy mía đường trong nước và người trồng mía trong niên vụ thu hoạch 2019 - 2020 sẽ rất lớn khi giá nguyên liệu đầu vào của Thái Lan thấp hơn 30% - 40% giá nguyên liệu các nhà máy đường trong nước.
Tại Tây Ninh bên cạnh những thách thức trong ngắn hạn sắp tới, một số điểm nổi bật của công tác thu hoạch vụ 2019 - 2020 là chữ đường (CCS) tăng vượt bậc so với cùng kỳ.
Điều kiện thời tiết thuận lợi, cộng hưởng với việc áp dụng những cải tiến kỹ thuật canh tác trong suốt vụ vừa qua, CCS đã tăng cụ thể đến 30/12/2019 là 7% so với cùng kỳ, đây là một trong những điểm tích cực giúp tăng thu nhập cho người trồng mía.
Bên cạnh đó nhằm tiết giảm chi phí canh tác mía của bà con, hướng đến tăng thu nhập sau một mùa vụ canh tác, TTC Sugar đã thực hiện đầu tư cơ giới hóa thu hoạch, tổng số lượng mía thu hoạch trên toàn vùng nguyên liệu Tây Ninh đạt 26 máy, tương ứng 40% tổng sản lượng thu hoạch hàng ngày.
Ngoài ra, đối với thu hoạch thủ công ở những khu vực không thể cơ giới do địa hình, diện tích nhỏ lẻ, để hạn chế các thông tin bất cân xứng, dẫn đến làm đẩy giá công thu hoạch lên cao, ngay từ đầu vụ Công ty đã thực hiện chương trình quản lý công, công khai bảng giá theo từng khu vực nhằm kiểm soát giá công đốn.
Ngoài ra trước diễn biến thuận lợi của thời tiết, Công ty cũng đề nghị đầu công thu hoạch mía tuân thủ bảng giá TTC Sugar đã ban hành về các trường hợp có tăng bo và không tăng bo theo thực tế, đồng thời điều chỉnh giá tăng bo giảm 20.000 đồng/ tấn so với khung giá hiện hành; Các trưởng trạm, nhân viên nông vụ của TTC Sugar luôn giám sát giá công thực tế mà chủ mía chi trả cho đầu công; Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra ngẫu nhiên để ghi nhận những trường hợp vi phạm; Các bộ phận nghiệp vụ phát triển nguyên liệu rà soát giá thu hoạch trong bản thỏa thuận tổ chức thu hoạch mía giữa đầu công và khách hàng…
Những cơ hội trong dài hạn
Báo cáo của LMC Sugar & Sweeteners Market Report tháng 06/2019, thị trường đường thế giới dự báo sẽ chuyển từ thặng dư 2,6 triệu tấn niên độ 2018 - 2019 sang thâm hụt 3,1 triệu tấn niên độ 2019 - 2020; riêng khu vực châu Á sẽ thâm hụt đến 9,5 triệu tấn, giá đường vì vậy cũng có sự phục hồi rất khả quan.
Với mong muốn làm tròn trọng trách dẫn dắt ngành đường Việt Nam trong hội nhập khu vực và thế giới, việc đầu tư cho công tác trồng, chăm sóc mía vụ mới cũng được TTC Sugar đặc biệt chú trọng. Chính sách đầu tư được ban hành theo đó định mức đầu tư đối với mía tơ là 25 triệu đồng/ha, mía gốc là 11 triệu đồng/ha. Định mức đầu tư thâm canh 05 triệu đồng/ha.
Trong định mức đầu tư trồng và chăm sóc mía, Công ty có khoản trợ giá đầu tư (hỗ trợ không hoàn lại) cho khách hàng với định mức 01 triệu đồng/ha đối với mía tơ và 850.000 đồng/ha đối với mía gốc.
Đồng thời Công ty thực hiện chính sách bảo hiểm giá mua mía vụ đầu tư 2019/2020 thu hoạch 2020/2021 với mức giá 770.000 VND/tấn mía 10 CCS - 820.000 VND/tấn mía 10 CCS tùy theo đối tượng khách hàng và khu vực phát triển diện tích mía cho các khách hàng khu vực Tây Ninh.
Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực trong việc thực hiện các chương trình khuyến nông như khảo nghiệm giống mía 3 cấp, khảo nghiệm sử dụng phân bón lá cho cây mía, sản xuất phân hữu cơ vi sinh bón cho cây mía, thực hiện các công trình cải tạo cơ sở hạ tầng, tiêu thoát nước, giúp công tác trồng, chăm sóc và thu hoạch mía của bà con được thuận lợi.
Công ty còn tăng cường triển khai quy hoạch các cánh đồng mía với diện tích lớn, để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía, nhằm tiết giảm chi phí sản xuất cho khách hàng…
Theo NNVN