Giảm 50% diện tích, sản lượng trong 3 năm
Gia đình bà Lê Thị Dung (ở xã Lộc Nga) lấy chè làm cây chủ lực để lập nghiệp tại Bảo Lộc và gắn bó với nó gần nửa thế kỷ. Nhưng đến nay, chè trên vườn nhà bà chỉ còn rải rác đôi cây để phục vụ nhu cầu gia đình. Phần lớn diện tích trồng chè đã chuyển sang trồng cây ăn trái.
Đó cũng là thực trạng của nhiều nông hộ tại các vùng chè Lâm Đồng. Riêng đối với gia đình ông Lê Văn Hoạt thì trên 6 sào đất, ông trồng sầu riêng cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm nhưng nếu trồng chè, nguồn thu chỉ đạt hơn 70 triệu đồng. Ông Hoạt nói: “Trồng chè chi phí thì cao, giá bán lại thấp nên chúng tôi phải chuyển đổi thôi”.
Cây chè đã gắn với mảnh đất và con người B’lao, Bảo Lộc cũng như địa danh Cầu Đất, Đà Lạt từ bao đời nay với những thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, báo cáo của ngành chức năng Lâm Đồng cho thấy, đến nay, chỉ còn khoảng 12.300ha chè, sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn, sút giảm 50% về cả năng suất và sản lượng so với năm 2016. Nguyên nhân là cây chè phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh, sâu bệnh hại, chi phí công lao động cao và chịu sự cạnh tranh với những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều doanh nghiệp chế biến chè đã khó về nguyên liệu, lại khó về đầu ra. Vì vậy, so với năm 2016, hiện nay, đến 30% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè ở Lâm Đồng ngừng hoạt động.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ngừng hoạt động hoặc chuyển đi nơi khác đều rất ngại nói lên thực trạng của mình. Và nông dân cũng không còn mặn mà với cây trồng thế mạnh này của địa phương. Ông Lê Viết Thống - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) - đề xuất: “Chúng tôi mong muốn có một giải pháp về giống và đầu ra để giữ ổn định diện tích chè, đồng thời người trồng chè có thu nhập. Nếu không, thương hiệu chè Blao sẽ bị mai một”.
Chú trọng chất lượng hơn số lượng
Trên cả nước, rất ít địa phương có điều kiện canh tác chè, đặc biệt là chè Olong (trà Ô Long) chất lượng cao như Lâm Đồng. Trong lúc đa số người sản xuất chè Việt Nam đều khó khăn, những doanh nghiệp sản xuất chè Olong vẫn có chỗ đứng trên thị trường với giá bán từ 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/1kg.
Ông Thái Tường Dân - Giám đốc Công ty Chè cà phê Trung Tín, TP.Bảo Lộc - cho biết: “Chè Olong với những giá trị dinh dưỡng nên người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường trong nước ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, để có được thị trường xuất khẩu, cần nhiều chiến lược tiếp cận”.
Trước thực trạng trên, ngành chức năng Lâm Đồng đã triển khai xúc tiến các doanh nghiệp, mở rộng liên kết, từng bước hình thành vùng nguyên liệu nhằm ổn định về số lượng. Đặc biệt tập trung sản xuất chè chất lượng cao, được cấp giấy chứng nhận. Khuyến khích các doanh nghiệp chè đổi mới, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật phù hợp. Từng bước cơ giới hóa để tạo các sản phẩm về chè phong phú đa dạng.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng - cho hay: “Ngành Nông nghiệp đã lường trước khó khăn ngành chè và có phương án cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và xúc tiến tìm đầu ra. Chè luôn được xác định là cây trồng thế mạnh của Lâm Đồng, là loại nông sản nổi tiếng góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương. Trước những biến động của thị trường và sự cạnh tranh của các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác, cây chè đang chịu một sức ép không nhỏ”.
Theo báo Lao động