Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chè rớt giá, nông dân kêu cứu
09 | 12 | 2008
Người trồng chè ở Lâm Đồng đang rơi vào cảnh lao đao. Nhiều diện tích chè đã bị bỏ hoang hoặc bị chặt phá không thương tiếc…
 

Chặt bỏ cây chè để… đi làm thuê

2 tuần nay, ông Hoàng Văn Quang, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng phải luôn đắn đo điều chỉnh từng đồng từ các nguồn chi tiêu cần thiết trong sinh hoạt gia đình. Không dè xẻn sao được khi giá chè búp tươi, nguồn nguyên liệu thu nhập chính của gia đình đã bị rớt giá xuống mức thảm hại, chỉ còn 1.200 đến 1.300 đồng/kg, giảm một nửa so với 2 tuần trước và giảm gần 2/3 so với tháng trước. Tiền bán chè búp tươi từ 1 ha chè hạt giờ đã không đủ trả tiền công thuê hái, ông Quang đành phải chặt bỏ một nửa vườn chè. “Làm chè năm nay thua lỗ nặng nề, chưa bao giờ giá lại giảm thệm tệ như hiện nay. Chặt bỏ hết thì không đành mà để lại cũng chẳng ra chi, lấy tiền đâu mà thuê công hái và đầu tư chăm sóc cho nó” – ông Quang chua chát bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ở thị xã Bảo Lộc, người đã từng gắn bó với cây chè gần 20 chục năm qua cũng rơi vào cảnh tương tự, 3 ha chè của gia đình ông đã không cho lãi mà còn bị thua lỗ nặng. Ông cho biết, trong vụ mùa này ông đã đầu tư 3 triệu đồng/1 sào chè nhưng chỉ thu được 4 triệu đồng, chưa trừ mọi chi phí sản xuất. Mặc dù giá cà phê cũng đang ở mức thấp nhưng so với cây chè thì còn đỡ hơn nhiều, vì vậy hiện đã có 70 đến 80% bà con trong vùng phá diện tích cây chè để trồng cà phê.

Không chỉ riêng ông Quang, ông Dũng mà đó là tình cảnh chung của người dân trồng chè ở tỉnh Lâm Đồng, chủ yếu là ở các huyện Di Linh, Bảo Lâm và thị xã Bảo Lộc – một trong những vùng chè nguyên liệu lớn nhất nước với trên 26.000 ha. Đồng nghĩa với 130.000 lao động phụ thuộc vào cây chè, tương đương với 10% dân số của tỉnh này đã bị giảm sút nguồn thu nhập, ảnh hưởng cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Sáng, khu phố Trưởng khu phố 6A, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm cho rằng, nếu kéo dài tình trạng giá chè búp tươi thấp như hiện nay, chắc chắn diện tích cây chè trên địa bàn sẽ bị thu hẹp nghiêm trọng, và hiện đã có 30% trong tổng số 400 hộ trồng chè ở khu phố của ông đã có hiện tượng chặt phá cây chè để trồng cà phê.

Trước cơn sốt chè rớt giá, bà Vũ Thị Đào, chủ một cơ sở sơ chế trà thành phẩm ở Phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc nhận định, trà năm nay so với các năm trước bán rất là chậm. Riêng cơ sở của bà chỉ thực hiện sơ chế bằng 1/3 sản lượng trà thành phẩm so với năm 2007. Nguyên nhân là do các công ty, nhà máy chế biến trà đóng chân trên địa bàn bán hàng không chạy, thiếu vốn nên chậm trễ trong việc thanh lý đơn hàng. Không chủ động được nguồn vốn nên các cơ sở sơ chế trà thành phẩm cũng chỉ thu mua và hoạt động sản xuất cầm chừng. Còn ông Nguyễn Bá Đông, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết, hiện ở Bảo Lâm có tới 20 cơ sở chế biến trà, với năng lực đáp ứng thu mua lên tới 65 đến 70% nguyên liệu trên địa bàn, còn lại được tiêu thụ tại thị xã Bảo Lộc. Thế nhưng, thời gian gần đây việc tiêu thụ của các đơn vị này hết sức hạn chế, chỉ bằng khoảng 60% so với trước nên sản lượng chè búp tươi tồn đọng rất nhiều, dẫn đến giá giảm mạnh như hiện nay.

Đâu là giải pháp?

Tỉnh Lâm Đồng hiện có tổng diện tích chè lên đến gần 27.000 ha, trong đó có 24.500 ha thu hoạch. Sản lượng bình quân đạt từ 170.000 đến 180.000 tấn chè búp tươi/năm, tương đương với 34.000 đến 36.000 tấn chè thành phẩm. Chiếm tỷ lệ 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè cả nước. Cây chè được trồng ở nhiều vùng nhưng tập trung chủ yếu ở thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Do cây chè nơi đây đã có từ những năm 20 của thế kỷ trước, sau đó bắt đầu phát triển mạnh vào năm 1960, nên hiện đã có nhiều diện tích bị già cõi, cho năng suất thấp. Từ đó, việc tuyển chọn giống đã gặp những hạn chế nhất định. Để khắc phục tình trạng đó, trong “Đề án phát triển vùng nguyên liệu chè đến năm 2020 của tỉnh Lâm Đồng”, tỉnh này đã đưa ra mục tiêu phấn đấu nâng tổng diện tích chè lên 28.000 ha, trong đó, các giống chè đạt năng suất và chất lượng cao chiếm 55%. Đồng thời, triển khai nhiều dự án cải tạo vườn chè, thế nhưng năng suất chè bình quân vẫn đạt ở mức thấp, chỉ mới tăng từ 6,3 tấn vào năm 2002 lên 7,5 tấn chè búp tươi/1ha năm 2007.

Nhiều nương chè đã bị phá bỏ lấy đất làm cà phê

Thêm vào đó, chất lượng sản phẩm chè cũng đạt rất thấp, nhất là sản phẩm chè xuất khẩu chỉ đạt khoảng 60% so với các nước trên thế giới như Ấn Độ, Sri Lanka… nên sản phẩm thường bị ép giá, giảm năng lực cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Đây là một thực tế gây rất nhiều khó khăn cho ngành chè ở Lâm Đồng nói riêng và ngành chè Việt Nam nói chung, như lời nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, tại “Hội thảo nâng cao năng lực canh tranh cho các doanh nghiệp chè Việt Nam”, vừa được tổ chức tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng: “Hiện chúng ta đưa vị thế của cây chè Việt Nam đứng thứ 5 nhưng giá lại thấp và vì thế người nông dân chưa gắn bó với cây chè. Do đó, cần phải tổ chức sản xuất vùng chè cho ra vùng chè chứ không nên manh mún như hiện nay”

Rõ ràng điều kiện cần để ngành chè Việt Nam nói chung và ngành chè Lâm Đồng nói riêng nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, cũng như đảm bảo và ngày càng nâng cao thu nhập cho người trồng chè, trước hết phải hướng tới việc xây dựng những vùng chè phát triển bền vững, có năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, cũng cần phải tăng cường các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cho cây chè. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý cần phải hoạch định chiến lược, có những cơ chế chính sách, phát triển một cách phù hợp và mang tính đột phá từ khâu quản lý giống đến kỹ thuật canh tác. Ông Phạm Quang Tường, Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc, cho rằng điều đầu tiên cần làm của Bảo Lộc là làm thế nào để đưa sản phẩm chè có chất lượng nâng cao hơn. Muốn như vậy thì ngay từ bây giờ phải thay đổi giống cây trồng, đồng thời phải đưa công nghệ sản xuất chè an toàn theo hướng GAP đi vào từng người dân và từng làng trà, để sản xuất ra một sản phẩm tốt nhất phục vụ cho chế biến và xuất khẩu sau này.

Còn đối với huyện Bảo Lâm, một trong những vùng chè tập trung lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, với trên 13.000 ha, trong đó chủ yếu là diện tích cây chè hạt truyền thống vốn cho năng suất và chất lượng kém. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá chè búp tươi ở huyện Bảo Lâm rớt thấp, hiện chỉ từ 800 đến 1.200 đồng/kg, thậm chí đối với những xã vùng sâu, vùng xa như Lộc Bắc, Lộc Bảo có lúc giảm xuống còn 400 đồng/kg chè búp tươi. “Hiện nay thị trường thế giới biến động theo xu thế giảm, trong đó giá trà giảm rất là mạnh. Đây là một trong những yếu tố mà chúng tôi đang suy nghĩ là phải làm sao có một hướng đi tới đây phải xây dựng cho được vùng chè an toàn và chất lượng. Sản xuất một quy trình tốt đưa ra một sản phẩm đạt chất lượng cao làm sao đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới” - ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm trăn trở.

Lâu nay người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất trà ở tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong liên kết sản xuất, cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành đầu ra không ổn định. Là một hộ nông dân đã gắn bó với cây chè 15 năm nay, tuy chỉ có 5 sào giống chè TB14 nhưng cũng đã cho gia đình ông Nguyễn Xuân Nên, ở phường Lộc Sơn, thị xã Bảo Lộc có được cuộc sống ổn định. Thế nhưng, vừa qua ông Nên đã phải chặt bỏ đi gần 1/2 diện tích vườn chè, chuyển sang trồng cà phê vì giá chè xuống thấp, trong khi chi phí thuê nhân công thì lại quá cao. Theo ông Nên, để người nông dân gắn bó với cây chè cũng như để ngành chè phát triển, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, thì người trồng chè và các doanh nghiệp chế biến trà cần phải xây dựng được mối liên kết bền chặt. Phải cho nông dân và nhà doanh nghiệp sát lại gần nhau, hội thảo để tìm ra hướng khắc phục và chỉ có nhà doanh nghiệp mới có khả năng tháo gỡ cho người nông dân mà thôi. Đặc biệt nông dân cũng phải làm tốt hơn, chứ thời gian qua làm xấu lắm, ẩu lắm thì làm sao có nguyên liệu tốt cho sản xuất được.

Lễ hội Văn hóa Trà tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2 vừa được tổ chức tại thị xã Bảo Lộc, nơi có thể xem là “thủ phủ” của ngành trồng và chế biến trà ở Lâm Đồng. Mục đích chính là nhằm tôn vinh người trồng và chế biến trà, khẳng định một thương hiệu trà Việt - B’lao, thế nhưng người trồng chè nơi đây vẫn còn đang đứng ngoài cuộc. Bởi lẽ muốn khẳng định thương hiệu trước hết phải đảm bảo cuộc sống từ nghề chè và hơn thế nữa là nâng cao chất lượng nguyên liệu và sản phẩm của chính mình.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường