Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sàn đấu giá, niềm hy vọng mới cho ngành chè Việt Nam
15 | 09 | 2009
Dự kiến cuối năm 2010, sàn đấu giá chè Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động. Ðây không chỉ là niềm vui cho doanh nghiệp và những người trồng chè mà còn là niềm hy vọng mới cho ngành công nghiệp chè Việt Nam trong việc phát triển đúng với tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên từ nay đến thời điểm sàn đấu giá được thành lập, ngành chè còn rất nhiều việc phải làm...

Sự cần thiết có một sàn đấu giá

Nghiên cứu khả thi về việc thành lập sàn đấu giá chè đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 5-2007. Từ tháng 3-2009, dự án chính thức đi vào làm các công tác nghiên cứu. Mới đây, Hiệp hội chè đã tổ chức Hội thảo báo cáo giữa kỳ về dự án này. Qua một thời gian ngắn nghiên cứu với những đánh giá chưa đầy đủ nhưng đã ít nhiều chỉ ra được sự cần thiết thành lập một sàn đấu giá chè đối với ngành công nghiệp chè Việt Nam.

Theo ông Iain Lang, Trưởng nhóm Nghiên cứu dự án, Việt Nam chưa có sàn đấu giá chè khiến các doanh nghiệp trong nước phải chịu thua thiệt so với nước sản xuất chè lớn khác. Hậu quả là sản phẩm chè bán với giá thấp hơn so với thị trường thế giới, nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam và thu nhập của nông dân bị giảm sút. Hiện nay, giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng khoảng 60% giá chè xuất khẩu của một số nước khác.

Mặt khác, theo Hiệp hội chè Việt Nam, việc thiết lập thị trường đấu giá còn nhằm xây dựng các tiêu chuẩn cho nền công nghiệp và thương mại chè, thành lập nơi cung cấp thông tin cho các bạn hàng theo dõi, xem và mua hàng một cách thường xuyên. Hơn nữa, sàn đấu giá cũng được kỳ vọng sẽ là một kênh quảng bá quan trọng cho các sản phẩm và doanh nghiệp chè trong nước ra thị trường thế giới.

Về tiện ích, sàn đấu giá chè cũng mang nhiều tính ưu việt, trong đó các đối tượng tham gia đấu giá chè phải thực hiện những nhiệm vụ cụ thể. Nhà sản xuất khi đưa chè lên sàn phải bảo đảm rằng tất cả các loại chè đều phù hợp với tiêu chuẩn của GAP; người mua phải bảo đảm sẽ thanh toán ngay lập tức và quảng bá tầm quốc tế cho việc buôn bán và tiêu thụ chè Việt Nam; người môi giới giữ liên lạc với cả người bán và người mua, đồng thời thu thập thông tin về chất lượng, sản lượng và các thông tin thị trường khác; nhà kho cất giữ, duy trì chăm sóc chè; ngân hàng có nhiệm vụ tạo điều kiện để tiến hành việc bán hàng theo thỏa thuận mức độ dịch vụ được ký với các thành viên của sàn đấu giá... Ðây có thể coi là một quy trình chào hàng, mua bán khép kín nhưng lại rất công khai và minh bạch, không chỉ tạo thuận lợi cho người mua mà hơn hết nó mang lại lợi ích lớn cho người bán trong vấn đề giá cả, tránh triệt để tình trạng ép giá giữa các doanh nghiệp và người trồng chè.

Nhiều điều kiện còn bỏ trống

Rõ ràng, việc thành lập sàn đấu giá chè là cần thiết để có sự ổn định về giá, chất lượng chè, nhưng theo ý kiến của tất cả các chuyên gia, muốn thành công cần phải tiến hành dần theo từng bước, bởi thực tế ngành chè Việt Nam hiện chưa đủ các điều kiện để đáp ứng tất cả các yêu cầu cần và đủ của một sàn đấu giá. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là chất lượng chè chưa được bảo đảm. Ngành chè hiện chưa có tiêu chuẩn yêu cầu mặt bằng tối thiểu chung cho chất lượng chè.  Sự tồn tại của những luật lệ không bị ép buộc thực hiện đã tạo ra một thị trường tự do cho ngành chè, mà ở đó chỉ có những chính sách ngắn hạn, thiếu hẳn những chiến lược dài hạn cho một ngành công nghiệp nhiều tiềm năng. Theo đó, người trồng chè chỉ hướng đến lợi nhuận, và khi giá cả thấp, họ sẵn sàng chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không có sự kiểm soát về việc sử dụng thuốc trừ sâu đối với cây chè. Phần lớn đơn vị sản xuất hiện vẫn sử dụng những thiết bị kỹ thuật kém, không vệ sinh và không an toàn. Nhưng chúng ta lại thiếu hẳn sự giám sát của các cơ quan chức năng và sự giải trình từ đơn vị sản xuất. Cái vòng luẩn quẩn trong ngành công nghiệp chè là giá thấp - chạy theo số lượng - chất lượng kém - giá thấp... bao năm nay vẫn là bài toán chưa thể giải quyết được. Trong khi đó, số lượng các quốc gia sẵn sàng chấp nhận chè bị ô nhiễm đang giảm nhanh chóng. Hiện không đến 10% chè xuất khẩu của Việt Nam xuất tới các quốc gia có áp đặt những hạn chế với thực phẩm không bảo đảm an toàn cho sức khỏe. 

 Một khó khăn nữa đang hiển hiện là làm sao để các bên tham gia sàn hiểu được giá trị của sàn và những lợi ích khi tham gia, nhất là với các doanh nghiệp và người trồng chè, bởi thay đổi tập quán giao dịch là không dễ. Người nông dân vốn quen buôn bán ở thị trường tự do với hệ thống thu mua trực tiếp, "tiền tươi thóc thật", trong khi giao dịch qua sàn phải tuân thủ các yêu cầu điều kiện mới như: Ðăng ký trở thành thành viên, phải có hàng trong kho, ký quỹ, lưu ký chứng thư, đặt lệnh... nên họ còn ngại, chưa muốn tham gia. Về phía doanh nghiệp, vì thủ tục giao dịch còn nhiêu khê nên họ cũng không mấy mặn mà, nhất là với những doanh nghiệp đã có đủ mạng lưới thu mua đến tận cơ sở.

Dù biết rằng sàn đấu giá là phương thức mua bán hiện đại mà nhiều nước tiên tiến đã và đang áp dụng nhưng đây lại là sân chơi quá mới đối với cả doanh nghiệp và người trồng chè Việt Nam. Vì vậy yêu cầu đặt ra là ngành công nghiệp chè phải có những thay đổi để chuẩn bị cho sự vận hành của sàn đấu giá. Trong đó, chất lượng chè phải được nâng cao và tiêu chuẩn chất lượng phải được lưu tâm và chấp hành nghiêm chỉnh; vùng nông nghiệp và sản xuất phải được cải cách theo thời hạn để kịp thành lập sàn đấu giá; phải có một kế hoạch quảng bá dài hạn cho tác dụng của sàn đấu giá tới các nhà sản xuất và buôn bán ở Việt Nam cũng như các nhà đóng gói và khách hàng ở các nước nhập khẩu chè.

Câu chuyện từ sàn giao dịch cà-phê Buôn Ma Thuột sau chín tháng đi vào hoạt động vẫn vắng bóng doanh nghiệp và người trồng cà-phê là một bài học để các nhà nghiên cứu thành lập sàn đấu giá chè phải có những tính toán cụ thể trước khi chính thức khai trương. Mục tiêu là để tất cả các tính ưu việt của sàn đấu giá đều đến cùng một đích, là hướng Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu chè chất lượng trên thị trường thế giới.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường