Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chè tăng cường kích cầu nội địa
23 | 03 | 2011
Đến giờ phút này, các doanh nghiệp vẫn “tự thân” phát triển thị trường là chính.

Hai tháng đầu năm 2011, sản lượng xuất khẩu chè Việt Nam đạt 14 nghìn tấn với kim ngạch đạt 20 triệu USD, đơn giá bình quân đạt 1,45 USD/kg, giảm 17% về lượng nhưng tăng 13% về giá so với cùng kỳ năm 2010, trong đó chè đen chiếm 67%, chè xanh 30%, còn lại là các loại chè khác với các thị trường lần lượt là: Pakistan, Nga, Đài Loan, Afganistan.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết lạnh và mưa; giá cả phân bón tăng cao nên nhiều khả năng sản lượng chè Việt Nam sẽ giảm. Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) đưa ra dự báo, tổng sản lượng chè năm 2011 sẽ đạt khoảng 160-170 nghìn tấn, xuất khẩu 120-130 nghìn tấn với đơn giá trung bình khoảng 1,45 USD/kg.

Thưa bà, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu ngành chè thời gian qua có những điểm nhấn gì?

Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, ngành chè không có nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhưng có Festival chè tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) và một số lễ hội chè do các địa phương tổ chức trong nước để tăng cường kích cầu nội địa. Nhìn tổng thể trong năm 2010, lượng chè trong nước tiêu thụ cao hơn các năm do có nhiều sản phẩm và mẫu mã hấp dẫn cũng như có nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng.

Ngoài ra, việc quảng bá thương hiệu và phát triển thị trường chè nội địa được nhiều người đề cập tới. Tuy nhiên, đến giờ phút này, các doanh nghiệp vẫn “tự thân” phát triển thị trường là chính do Nhà nước chưa có những thông tư hướng dẫn cụ thể liên quan xúc tiến nội địa nên chưa có nguồn lực mạnh đưa vào chiến dịch cho cả ngành.

Một số doanh nghiệp đã tăng chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã bao bì, đầu tư nghiên cứu sản xuất sản phẩm chè an toàn, bền vững để gia tăng giá trị nhưng quá trình này rất mất thời gian vì sản phẩm sạch phải đảm bảo gắn liền với vùng nguyên liệu. Trong thời gian tới đây, ngành chè mới có những sản phẩm nội địa thực sự được “đóng dấu” chất lượng thông qua chứng chỉ an toàn mang tính quốc tế.

Để xúc tiến mạnh mẽ cho ngành chè, tới đây, Vitas sẽ xúc tiến huy động nguồn vốn để làm một bộ phim tài liệu 10 tập mang tên “Con đường chè Việt” phát sóng trên một số kênh truyền hình, đồng thời tiến hành những nghiên cứu xung quanh uống chè tốt cho sức khoẻ người dân với khẩu hiệu “uống chè là uống sức khoẻ” và sẽ đưa lên website của hiệp hội, khuyến khích nhiều người uống chè hơn, kích cầu thị trường chè trong nước.

Việc tổ chức cho nông dân và nhà máy chế biến chè thực hiện sản xuất chè an toàn bền vững đủ điều kiện nhận chứng chỉ UTZ và chứng chỉ RainForest (RF) được tiến hành cụ thể như thế nào trong thời gian qua?

Thực ra, việc áp dụng các chứng chỉ này hiện chưa có gì cụ thể. Các tổ chức này vẫn đang trong quá trình tiến hành giới thiệu và đào tạo cho nông dân trồng chè và các nhà máy chế biến. Đã có 3 công ty chè tại Yên Bái là Liên Sơn, Văn Hưng, Nghĩa Lộ bắt đầu thực hiện triển khai với khẩu hiệu “Good inside” (tốt từ bên trong), ngoài ra thì UTZ đang tiến tới áp dụng ở một số địa phương tại Thái Nguyên để đáp ứng cho “vựa chè” dành cho nội tiêu.

Với chứng chỉ RF, hiện chỉ có duy nhất Công ty Chè Phú Bền đạt 95% nhưng sản phẩm chủ yếu dành cho xuất khẩu. Hiện nay, RF cũng đang mong đợi những tín hiệu hợp tác từ phía nông dân và doanh nghiệp vì khi áp dụng chứng chỉ thì doanh nghiệp sẽ phải trả chi phí cao hơn cho nông dân và phải có thời gian nhất định để doanh nghiệp “xốc” lại khả năng về tài chính và nguồn lực. Các tiêu chí cơ bản doanh nghiệp phải đạt được bao gồm dư lượng thuốc trừ sâu, bền vững hài hoà với môi trường, san sẻ lợi nhuận cho người trồng và chế biến, đảm bảo hài hoà xung quanh, trồng cây bóng mát trên đồi chè… Đây là một xu hướng của thế giới và chúng ta cũng cần có lộ trình nhất định để theo đuổi. Các chi phí chỉnh trang đồi chè, trả cho người nông dân sẽ phải cao hơn, nhưng khi có được chứng chỉ này thì những nhà nhập khẩu chè cũng sẵn sàng trả giá cao hơn.

Còn việc triển khai Sàn giao dịch chè đến nay đã có kết quả nào chưa, thưa bà?

Cho đến nay chưa có động thái mới nào cả. Các kết luận cũ vẫn là kim chỉ nam cho phát triển ngành chè bền vững và các chiến lược tới đây của ngành. Nhưng để thực hiện được phải đầu tư rất mạnh cả về nông nghiệp và công nghiệp. Quãng thời gian mà tư vấn nước ngoài đưa ra là 10 năm với rất nhiều việc phải làm. Trong 5 năm đầu tiên nếu chúng ta áp dụng tốt các quy định về tiêu chuẩn cho khoảng 30 nghìn tấn chè thì mới có thể mở sàn đấu giá. Hiện nay, việc này cần có những nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là những vấn đề về tài chính như: Cần nguồn vốn ở đâu? Doanh nghiệp bỏ vốn và Nhà nước hỗ trợ như thế nào? Vay vốn trực tiếp như thế nào, ưu đãi ra làm sao? Tất cả những câu hỏi này cần làm chặt chẽ và cần có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp thực sự muốn tham gia chương trình cải tạo ngành rất lớn như vậy.

Hiện nay, Vitas đã trình lên Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT chấp thuận cấp thêm một số khoản vốn để nghiên cứu. Việc nghiên cứu rất cần thiết để đưa ra những bước chuẩn bị và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp và nông dân sẽ là những chủ thể quyết định đến ngành chè với sự định hướng nhất định của Nhà nước. Đề xuất này đã được đặt trên bàn các Bộ nhưng cũng cần có những chỉnh sửa nhất định để phù hợp và giải trình cụ thể. Vitas hy vọng trong tháng 4/2011 này đề xuất sẽ được chấp thuận để có thể bắt tay triển khai sớm.

Hội chợ quốc tế chuyên ngành chè và cà phê được tổ chức tới đây tại Singapore sẽ có khoảng bao nhiêu doanh nghiệp chè Việt Nam tham gia, thưa bà?

Đến nay đã có 13 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Bên cạnh trưng bày gian hàng, gặp gỡ đối tác, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một số hoạt động như các buổi nếm thử 5 loại chè Việt Nam; đấu giá chè sen Hồ Tây… để quảng bá chè Việt Nam.

Về kinh phí xúc tiến thương mại, năm nào ngành chè cũng được Nhà nước quan tâm và ngành chè cũng cố gắng làm tốt nhất. Tuy nhiên, năm nay, đơn vị chủ trì có những thay đổi nhất định nên chúng tôi vẫn đang chờ tin tức từ đơn vị thẩm định và hy vọng có kết quả sớm để chúng tôi có điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến thương mại khác trong năm…

Xin cảm ơn bà!



Theo cafef
Báo cáo phân tích thị trường