Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa chè Việt Nam lên sàn: Yếu tố cốt lõi: Chất lượng
01 | 09 | 2009
Việt Nam là một trong 2 cái nôi của nền sản xuất và xuất khẩu (XK) chè lớn trên thế giới. Tuy nhiên trong thời gian qua Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp... vì vậy giá trị chè XK đạt thấp. Để nâng cao giá trị mặt hàng này, Việt Nam cần phải có sàn giao dịch chè để xác định được giá trị sản phẩm.

Vì sao chè Việt Nam bị ép giá ?

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nước ta là một trong những nước có sản lượng XK chè lớn nhưng thương hiệu chè Việt không phải ai cũng biết, nên khi bán ra thị trường thế giới thường phải chịu nhiều thiệt thòi. Phân tích tình hình ngành công nghiệp chè Việt Nam trong hơn 20 năm qua, ông Lain Lang, Trưởng nhóm nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho rằng, do thiếu một sàn đấu giá chè nên các nhà máy không xác định được giá trị sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến sản phẩm của các doanh nghiệp này bị khách hàng nước ngoài ép giá. Năm 2009, trong khi giá chè trên thế giới tăng hơn 15% so với thời điểm 1998, thì giá chè XK của Việt Nam lại chỉ còn khoảng 80% giá trị cùng thời gian so sánh. Theo khảo sát của các nhà kinh tế nước ngoài, chất lượng của một số nhà máy chè có đầu tư tốt tại Việt Nam không thua kém so với sản phẩm cùng loại của các nước có công nghiệp chế biến và XK chè hàng đầu như Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka…

Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng Công ty Chè Việt Nam... đã cho nghiên cứu xây dựng sàn đấu giá chè. Theo TS Trần Văn Giá, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam, sàn đấu giá chè là một thước đo để tuyên bố với thế giới rằng, chè Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn quốc tế và ở mức ngang hàng với thế giới, đồng thời là địa chỉ tìm đến của các nhà nhập khẩu trên thế giới.

Theo các nhà tư vấn, trung tâm đấu giá nên được thành lập với nguồn vốn hỗ trợ từ một cơ quan quản lý cao nhất với sự hướng dẫn của công ty môi giới. Khi sàn đấu giá đi vào hoạt động, các thành viên của cơ quan quản lý này sẽ là chủ nhân của sàn thông qua phần tham gia của họ trong cơ quan quản lý cao nhất.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Hiện tại, mối quan tâm hàng đầu của các nhà tư vấn sàn đấu giá quốc tế là chất lượng chè của nước ta. Thực tế, chỉ khoảng 10% chè Việt Nam được xuất tới những quốc gia có áp đặt những hạn chế với các loại thực phẩm, hàng nông sản không bảo đảm sức khỏe. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong trồng chè đã trở thành vấn nạn của ngành công nghiệp chè Việt Nam. Với kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lại sử dụng thuốc trừ sâu nên Việt Nam đang là một trong những quốc gia vi phạm nặng nhất về độ an toàn thực phẩm. Bà Salwa Dogheim, chuyên gia về tiêu chuẩn chất lượng chè của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) thống kê tại một nhà XK của Việt Nam từ đầu năm 2009 đến nay, trong 38 mẫu chè được kiểm nghiệm, đã có 27 mẫu không đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng…

Theo TS Trần Văn Giá, hiện nay, chúng ta mới chỉ chạy theo số lượng mà ít quan tâm tới chất lượng. Thế nhưng khi đã lên sàn, sản phẩm đấu giá phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Do đó, những người làm chè từ sản xuất, trồng đến chế biến, đóng gói... đều phải tham gia vào quá trình này. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trinh Bá, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu (Công ty Đầu tư phát triển chè Nghệ An) cho rằng, các DN sẽ phải vượt qua một số vướng mắc như phải xây dựng được thương hiệu chè, mà vấn đề này hiện vẫn còn rất mơ hồ. DN khi lên sàn phải biết bán cái mình đã có chứ không thể bán cái mình sẽ có mà kiểu làm ăn này lâu nay vẫn tồn tại trong giới doanh nghiệp. Ngoài ra, sàn đấu giá phải xây dựng được một trung tâm kiểm định chất lượng độc lập với sàn để kiểm định chất lượng sản phẩm có đạt tiêu chuẩn không. Nếu đạt thì trung tâm phải có trách nhiệm cung cấp cho sản phẩm đó một mã số để đưa lên sàn; đồng thời các DN sẽ phải trang bị cho mình một hệ thống nhà xưởng, kho chứa hàng với số lượng lớn... Dự án đưa chè lên sàn giao dịch sẽ được bắt đầu vào năm 2010 đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, DN và người trồng chè.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường