Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), sau khi tăng trưởng liên tục trong ba năm kể từ năm 2016, nhập khẩu cá ngừ của Anh từ Việt Nam năm 2019 giảm. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh năm 2019 chỉ đạt hơn 7 triệu USD, giảm 1%.
Cùng với xu hướng đó, Anh cũng đang giảm nhập khẩu cá ngừ từ các nước. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu cá ngừ của Anh năm 2019 giảm cả về khối lượng (giảm 2%) và giá trị (giảm 8%).
Nguyên nhân của sự sụt giảm này một phần là vì Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã ảnh hưởng tới niềm tin và hành vi tiêu dùng của người dân Anh.
Theo thông báo của EU, kể từ 23h (theo giờ Anh) ngày 31/1/2020, Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu sau 47 năm làm thành viên, và bước vào "giai đoạn chuyển tiếp" đến cuối năm 2020. Trong giai đoạn này, Anh vẫn là thành viên của thị trường EU và tham gia Liên minh Hải quan EU (EUCU).
Trong giai đoạn chuyển tiếp, mọi thứ vẫn giữ nguyên, nhưng Anh không có quyền tham gia chính sách và đường lối của EU. Điều này có nghĩa, từ nay đến ngày 31/12/2020, hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung, cá ngừ nói riêng giữa Việt Nam và Anh vẫn diễn ra như bình thường và sẽ không có xáo trộn lớn.
VASEP nhận định nếu EVFTA được thông qua và áp dụng suôn sẻ như dự kiến, các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Anh sẽ có 7-8 tháng được hưởng ưu đãi EVFTA. Do đó, tác động của Brexit tới quan hệ thương mại Việt Nam - Anh trong năm 2020 là không nhiều.
Năm 2019, Anh đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 7 của Việt Nam. Trong số các sản phẩm cá ngừ, cá ngừ tươi sống và đông lạnh là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này, chiếm 88%.
So với năm 2018, xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam sang Anh đang tăng 3%, trong khi xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp giảm 24%.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc Anh rời EU sẽ khiến cả bảng Anh và EUR mất giá. Việc giảm giá trị của đồng bảng, người mua Anh cần bỏ nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm, đặc biệt đúng với cá ngừ nhập khẩu vì hoạt động thương mại đang được thực hiện bằng đồng USD hay EUR.
Hơn thế nữa, Anh không sở hữu bất kì cơ sở chế biến và nhập khẩu cá ngừ nào, với phần lớn các lô hàng cá ngừ đóng hộp nhập khẩu từ bên ngoài EU. Điều này khiến các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang Anh sẽ có giá cao hơn và cạnh tranh sẽ khó khăn hơn.
Hơn nữa, có thêm vấn đề về mức thuế 24% đối với các sản phẩm cá ngừ nhập khẩu từ các nước xuất khẩu khi Anh rời EU.
Hiện tại, chỉ có Ecuador đã kí một thỏa thuận thương mại mới với Vương quốc Anh (UK), cho phép 95% các sản phẩm của Ecuador bao gồm cả cá ngừ nhập khẩu vào nước này được miễn thuế. Điều này sẽ xảy ra khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, các sản phẩm cá ngừ của các nước khác sẽ phải chịu mức thuế cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, các nước xuất khẩu cá ngừ sang Anh như Papua New Guinea, hay Peru, đều là những nguồn cung cá ngừ lớn đã tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại với Anh và đang tiến tới kí kết.
Điều này dự kiến sẽ tạo ra xu hướng tăng trưởng nhập khẩu cá ngừ vào Anh từ các nước được ưu đãi thuế quan, giảm nhập khẩu cá ngừ từ các nước đang phải chịu thuế cao như Việt Nam.
VASEP nhận định, sau Brexit xuất khẩu cá ngừ sang Anh dự kiến sẽ khó khăn hơn.
Không những thế, trong bối cảnh rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc của Anh với hàng nhập khẩu vào nước này ngày càng cao, doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh, cần điều chỉnh chiến lược sản xuất để hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng