Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn Độ hướng tới mục tiêu trở thành nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới
02 | 03 | 2020
Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư toàn cầu. Chính phủ nước này đã cam kết hỗ trợ ngành thủy sản đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, trở thành nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ, ông Som Parkash cho biết.

Phát biểu tại Triển lãm thủy sản quốc tế Ấn Độ lần thứ 22, ông Som Parkash cho biết chính phủ đã cam kết hỗ trợ ngành thủy sản đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, tờ The Press Trust of India đưa tin ngày 8/2.

Ngoài việc cung cấp việc làm cho khoảng 14,5 triệu người, ngành thủy sản còn có thể đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế đất nước nói chung, ông Parkash nhận định.

Ông đã yêu cầu Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (MPEDA) chuẩn bị và đệ trình danh sách các yêu cầu của ngành để đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu.

Ông cho biết chính phủ sẽ tìm cách giải quyết mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc môi trường, tuy nhiên ngành thủy sản của Ấn Độ sẽ phải làm việc chăm chỉ để đạt được các mục tiêu mà chính phủ đặt ra, đặc biệt là trước sự suy thoái kinh tế của đất nước.

Tại triển lãm diễn ra trong thời gian 7 - 9/2 tại Kochi, Ấn Độ, ông Parkash và các quan chức chính phủ khác - bao gồm Bộ trưởng Bộ Thủy sản Kerala, ông J Mercykutty Amma - đã trao thưởng cho 60 công ty và cá nhân xuất sắc trong ngành thủy sản.

Cũng phát biểu tại sự kiện này, Thống đốc bang Kerala, ông Arif Mohammad Khan cho biết thị phần chung trong thị trường thủy sản toàn cầu của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng từ 4,1% lên 6,7% vào năm 2030 nhờ thúc đẩy sản xuất, gia tăng giá trị và đa dạng hóa, tờ The Economic Times đưa tin ngày 7/2.

Khoảng 40,5 triệu người ở Ấn Độ đã tham gia vào lĩnh vực thủy sản, đóng góp 1% vào tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Ông Khan kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn vào lĩnh vực này để thúc đẩy sự đổi mới trong đa dạng hóa sản phẩm và giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu đạt được 1 tỉ rupee vào năm 2025 - tăng gấp đôi so với năm 2019 - ngành thủy sản Ấn Độ phải đối mặt với nhiều trở ngại, theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (SEAI) Jagdish V Fofandi.

Xuất khẩu thủy sản Ấn Độ bị kiểm soát nghiêm ngặt

Thương mại hải sản Ấn Độ với Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã bị hạn chế bởi các cuộc kiểm tra và kiểm toán bổ sung về an toàn thực phẩm, theo SeafoodSource.

Cụ thể, ở châu Âu, xuất khẩu hải sản của Ấn Độ phải chịu thử nghiệm thêm đối với nhiều chất gây ô nhiễm kháng sinh, sau khi các thanh tra của Ủy ban châu Âu phát hiện ra sự thiếu sót trong kiểm soát an toàn thực phẩm ở cấp độ sản xuất của quốc gia Nam Á này.

Tại Mỹ, nước nhập khẩu tôm hàng đầu của Ấn Độ, đã cấm xuất khẩu tôm đánh bắt tự nhiên từ Ấn Độ vì nước này không sử dụng thiết bị loại trừ rùa trong lưới đánh bắt tôm.

Trung Quốc, thị trường tiềm năng khác cho hải sản Ấn Độ, cũng đang áp dụng các biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt đối với các lô hàng từ Ấn Độ.

Ông Fofandi đề nghị Thủ tướng Narendra Modi thảo luận về vấn đề này trong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng tới Liên minh châu Âu, và cho rằng chính phủ nên gửi phái đoàn tới tất cả các thị trường xuất khẩu lớn mà hải sản Ấn Độ đang phải đối mặt.

Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất thủy sản ở mức 20 triệu tấn vào năm 2022 - 2023

Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ, đã ưu tiên hỗ trợ ngành thủy sản trong ngân sách hàng năm 2020, đặt mục tiêu sản xuất thủy sản ở mức 20 triệu tấn vào năm 2022 - 2023.

Sản lượng cá của Ấn Độ đã tăng gần 6% từ 12,59 triệu tấn trong năm 2017 - 2018 lên 13,34 triệu tấn trong năm 2018 - 2019, trích trong một bức thư của Bộ trưởng Pratap Chandra Sarangi gửi cho bà Shobha Karandlaje, một thành viên của Quốc hội tại Lok Sabha - Hạ viện của Quốc hội lưỡng viện Ấn Độ.

Tổng sản lượng thủy sản của Ấn Độ đã tăng đều đặn trong những năm qua, đạt 11,43 triệu tấn trong năm 2016 - 2017 và 10,26 triệu tấn trong năm 2014 - 2015, tờ The Hindu Business Line đưa tin.

Andhra Pradesh là tiểu bang hàng đầu về sản xuất cá, với 3,99 triệu tấn trong năm 2018 - 2019 - tăng 16% so với 3,44 triệu tấn trong năm 2017 - 2018. Theo sau đó là khu vực Tây Bengal, với 1,77 triệu tấn, tăng 1,7% so với 1,74 triệu tấn trong năm 2017 - 2018.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường