Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều đối phó khó khăn kép
04 | 03 | 2020
Từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, rất nhiều doanh nghiệp (DN), ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn. Nay khi dịch bệnh này lan rộng ra nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… nỗi lo của DN lại càng lớn hơn.

Đơn hàng ứ đọng

Là một trong những quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, điều Việt Nam đã phủ rộng khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường chính châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc ngành điều đã chịu tác động rất lớn.

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, Trung Quốc là nước tiêu thụ số lượng lớn điều và hạnh nhân. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạnh nhân nhập khẩu giảm mạnh, kéo theo giá hạnh nhân giảm, một bộ phận người tiêu dùng chuyển sang hạnh nhân. Tác động gián tiếp này làm cho lượng hàng điều đã ký với Trung Quốc bị ứ đọng. Nay khi dịch bệnh lan rộng chắc chắn ảnh hưởng sẽ còn lớn hơn đến xuất khẩu hạt điều.

Một ngành hàng khác cũng đang chịu tác động lớn của dịch Covid-19 là thủy sản. Hiện chưa có những đánh giá cụ thể nhưng theo ghi nhận từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số hợp đồng xuất khẩu thủy sản đi Hàn Quốc đang bị ứ đọng.

“Thủy sản có đặc thù là sản xuất theo đơn đặt hàng của từng quốc gia, từng nhà nhập khẩu, nên khi họ tạm ngưng nhập mình cũng phải ngưng sản xuất, không thể chuyển sản phẩm đó qua thị trường khác" - ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết.

Thực tế khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc nhiều DN vẫn chưa quá lo lắng, nhưng nay khi Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ cũng đang nóng với dịch, mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Lo trong dịch và lo cả hậu dịch, vì khi dịch được khống chế các quốc gia cạnh tranh mặt hàng thủy sản với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hơn, cạnh tranh về giá sẽ gay gắt hơn. 

Các mặt hàng chế biến gặp khó khăn, những mặt hàng xuất khẩu tươi như trái cây lại càng đứng ngồi không yên. Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (chuyên xuất khẩu chuối), cho biết những đơn hàng đi Trung Quốc vừa mới chạy lại được không nhiều, nay DN lại lo lắng khi Nhật Bản - thị trường xuất khẩu chính của Huy Long An - cũng đang rất nóng với dịch Covid-19.

Nếu đơn hàng bị ứ đọng, trái cây tươi khó bảo quản lạnh không thể chuyển thị trường xuất khẩu vì rất nhiều yếu tố như yêu cầu kỹ thuật, đầu mối xuất khẩu… Tiêu thụ trong nước với những sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn cao cũng có giới hạn, nên cũng không dễ cho DN khi xoay chuyển. 

Hy vọng sớm hết dịch

Có lẽ chưa khi nào kế hoạch kinh doanh của DN, nhất là DN xuất khẩu lại được gửi gắm vào 2 từ “hy vọng" nhiều như hiện nay. Hy vọng sớm kiểm soát được dịch bệnh, bởi nếu dịch bệnh lan rộng sẽ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn vì tổng cầu toàn thế giới sẽ giảm mạnh.

Đặc biệt, những ngành hàng phụ thuộc cả đầu vào nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tại cuộc họp cuối tuần qua đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên các ngành sản xuất, công nghiệp trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ rõ nguy cơ nhiều DN phải dừng hoạt động do đứt cung nguyên liệu.

Như ngành điện tử, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó Hàn Quốc chiếm 42%, từ Trung Quốc chiếm 34%. Đến nay, các DN điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3. 

Khó khăn nhất về nguồn cung nguyên liệu đầu vào là ngành dệt may. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, hầu hết DN trong ngành chỉ đủ nguyên liệu sản xuất đến hết tháng 3. Đầu vào không có, đầu ra cũng không thể yên tâm, nhiều DN đang đứng trước nguy cơ kép.

Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 chắc chắn sẽ làm nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng thời trang như may mặc giảm mạnh, kéo theo giá thành xuất khẩu cũng giảm. Giả sử DN có tìm được nguồn thay thế nguyên liệu tạm thời trong ngắn hạn cũng khó cạnh tranh.

“Thời điểm này DN chỉ còn biết hy vọng dịch sớm được kiểm soát trên thế giới, đồng thời mong Chính phủ có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho DN. Về phần mình, DN cũng có những giải pháp cho mình nhưng rất khó khả thi" - ông Hồng bộc bạch. 

Thực tế những giải pháp hỗ trợ cho DN cũng được bàn tới trong cuộc họp của Bộ Công Thương. Theo đó, các bộ, ngành xem xét các chính sách gia hạn thời gian trả nợ các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh của DN; chính sách miễn, giảm thuế, hoàn thuế VAT sớm; cho phép chậm nộp thuế hoặc không tiến hành xử phạt chậm nộp thuế đối với DN chưa nộp thuế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hỗ trợ DN trả chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh. Xem xét hoàn trả tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư cho các dự án đang tiến hành triển khai, chưa đi vào hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đặc biệt những hỗ trợ này phải triển khai sớm, không để khi DN quá yếu mới “đưa tay" sẽ khó cứu được. 

Trong bối cảnh khó khăn chung của nhiều DN xuất khẩu, vẫn có DN tìm được cơ hội kinh doanh. Trao đổi với ĐTTC, anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Thực phẩm Duy Anh, cho biết hiện nay các mặt hàng bún, phở, bánh tráng khô của Duy Anh đang được nhiều đối tác nước ngoài đặt hàng nhiều hơn vì tiện sử dụng.

Đặc biệt, các thị trường như Hàn Quốc trước đây kiểm tra rất ngặt nghèo nay cũng dễ hơn. Họ còn đề nghị có bao nhiêu hàng trong kho xuất qua hết. Dự kiến xuất khẩu năm nay của Duy Anh sẽ tăng hơn năm trước.  

“Hiện các DN điện tử chỉ đủ linh kiện sản xuất tới giữa tháng 3, trong khi DN dệt may chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất tới đầu tháng 3, vì thế khả năng phải dừng sản xuất rất lớn.” - Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Nguồn: Sài Gòn Đầu Tư Tài chính



Báo cáo phân tích thị trường