Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng Nai: Cây công nghiệp qua thời ’’vàng son’’?
12 | 02 | 2020
Nhiều loại cây công nghiệp lâu năm như: cao su, cà phê, tiêu, điều… suốt một thời gian dài được xác định là cây trồng chủ lực của Đồng Nai, nông dân từng đua nhau đổ vốn vào đầu tư vì sản phẩm làm ra luôn đứng trong tốp đầu về giá cao. Đây cũng là các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến.
Nông dân xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) chặt bỏ cây tiêu vì giá bán thấp. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, ở thời kỳ “hậu" tăng trưởng nóng về diện tích, tức khoảng 5 năm trở lại đây, giá cao su, cà phê, tiêu… luôn ở mức thấp và nông dân lại “rủ nhau" chặt bỏ hàng loạt những cây trồng này.

Qua thời thu nhập “khủng"

Cây điều từng là cây trồng dẫn đầu về diện tích trong nhóm cây công nghiệp ở Đồng Nai. Thời đỉnh điểm (khoảng trước năm 2010), Đồng Nai phát triển gần 50 ngàn hécta điều nhưng từ sau năm 2010, người dân dần chặt bỏ cây trồng này để chuyển sang trồng những cây công nghiệp cho thu nhập cao hơn như: cao su, cà phê, tiêu…

Sau thời “hoàng kim" của cây điều, gần 10 năm trước, cao su được ví là “vàng trắng" vì cho lợi nhuận “khủng", dẫn đến diện tích cây trồng này không ngừng tăng nhanh. Nhiều nông dân trong tỉnh cũng làm nên cơ nghiệp nhờ cao su. Nhưng sau đó, không ít nông dân “vỡ mộng" làm giàu khi giá mủ cao su xuống thấp chưa từng có, đầu ra khó khăn. Chỉ trong vài năm, hàng ngàn hécta cao su bị chặt bỏ, khởi đầu từ nông dân trồng cao su tiểu điền rồi lan dần đến những “đại gia" có hàng chục hécta cao su. Nhiều nông dân chọn cưa bỏ vườn cao su bán gỗ để có vốn chuyển sang cây trồng khác cho thu nhập tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Sâm, nông dân tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) vừa cưa vườn cao su bán gỗ, vừa chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng cao su vì thấy cây này cho thu nhập cao. Nhưng đến khi thu hoạch, mủ cao su lại rớt giá. Cầm cự được vài năm không lợi nhuận, tôi đành bán gỗ để có vốn chuyển đổi sang cây trồng khác".

5 năm trước, trồng tiêu lại trở thành cơn “sốt" mới khi nhiều nông dân chỉ cần có 1 hécta tiêu là có thể thu tiền tỷ. Không chỉ nông dân Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng đua nhau trồng tiêu. Hậu quả là từ 2 năm nay, giá tiêu liên tục ở mức thấp hơn giá thành sản xuất khiến nông dân phải chặt bỏ cây trồng này. Bà Nguyễn Thị Dân, nông dân trồng tiêu tại xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, thấy cây tiêu cho thu nhập quá cao, gia đình bà đã mạnh dạn chặt vườn xoài, đầu tư hàng trăm triệu đồng xây trụ bê tông trồng tiêu. Bà Dân xót xa: “Nhưng đến khi thu hoạch, giá tiêu đột ngột xuống thấp, gia đình tôi lại thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc và xử lý dịch bệnh khiến năng suất thấp, thu không đủ bù chi nên đành chặt bỏ". 

“Hậu" thời kỳ chạy theo sản lượng

Theo báo cáo của Cục Thống kê Đồng Nai, so với cùng kỳ năm 2018, năm 2019, năng suất của một số cây công nghiệp lâu năm đều tăng. Cụ thể, điều đạt trên 13 tạ/hécta, tăng trên 9%; hồ tiêu đạt gần 23,7 tạ/hécta, tăng gần 10%; cà phê đạt gần 24 tạ/hécta, tăng gần 3%... Nhưng lợi nhuận của nông dân thu về từ những cây trồng trên lại rất thấp, thậm chí lỗ vốn.

PGS.Trịnh Xuân Vũ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học nông lâm (TP.Hồ Chí Minh) nhận xét, Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn về phân bón và hóa chất. Nhu cầu về các sản phẩm trên mỗi năm đều tăng nhanh theo xu hướng thâm canh tăng vụ khiến cho dịch bệnh trên cây trồng xuất hiện ngày càng phức tạp, nông sản tồn dư hóa chất độc hại. “Đây chính là hệ quả của suốt thời gian dài sản xuất nông nghiệp trong nước chạy theo số lượng" - PGS.Vũ nói.

Biểu đồ thể hiện sự biến động về diện tích các cây công nghiệp lâu năm chính trên địa bàn Đồng Nai qua các năm 2015-2018. (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Cùng quan điểm, TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cũng cho rằng nếu nông dân không thay đổi tư duy sản xuất, vẫn lạm dụng phân, thuốc hóa học và chạy theo sản lượng thì họ sẽ thua ngay trên sân nhà. Hiện không chỉ các nước đang dần siết chặt hàng rào kỹ thuật với nông sản nhập khẩu mà người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm.

Chỉ rõ khó khăn của thị trường xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (tỉnh Bình Dương) so sánh: “Xuất khẩu tiêu, điều, cà phê của Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới, nhưng vẫn không làm chủ được thị trường do yếu thế về chất lượng". Theo ông Lâm, giá nông sản của các nước thường cao hơn Việt Nam vì thị trường xuất khẩu chính của họ là Mỹ, châu Âu, trong khi nông sản Việt Nam chủ yếu vào các thị trường dễ tính như: Trung Quốc, Trung Đông. Có sự khác biệt này là vì nông dân các nước canh tác ít dùng thuốc bảo vệ thực vật còn nông dân Việt Nam vẫn giữ thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học. Trong tình hình các mặt hàng tiêu, cà phê… cung vượt cầu, ngay cả thị trường “dễ tính" như Trung Quốc cũng kén chọn hơn khiến nông sản Việt Nam yếu về mặt chất lượng, càng khó cạnh tranh.

Khó khởi sắc sớm

Năm 2019, xuất khẩu tiêu, điều, cà phê… gặp nhiều khó khăn nên tăng trưởng thấp hơn so với mọi năm, thậm chí bị giảm mạnh. Cụ thể so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê đạt gần 386 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu hạt điều đạt trên 326 triệu USD, chỉ tăng 0,08%; xuất khẩu hồ tiêu đạt trên 37 triệu USD, tăng hơn 2%. Nguyên nhân chủ yếu do giá tiêu, điều, cà phê giảm khiến sản lượng xuất khẩu tăng nhưng giá trị thu về lại thấp hơn.

Hiện giá cà phê, tiêu nông dân bán ra thị trường vẫn ở mức rất thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất. Cũng theo ông Lâm dự báo, với việc Trung Quốc cấm nhập khẩu tiểu ngạch khiến hoạt động xuất khẩu nông sản bị đình đốn vì đây là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực gấp đôi, gấp ba để đẩy mạnh xuất khẩu tiêu, cà phê sang các thị trường khác như: Trung Đông, châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... nên sản lượng có tăng nhưng giá trị lại giảm vì nguồn cung trên thị trường thế giới lớn hơn cầu, doanh nghiệp muốn tăng sản lượng bán ra buộc phải giảm giá. Những tháng tới tình hình xuất khẩu nông sản vẫn khó khởi sắc vì thị trường thế giới đã bão hòa do trước đó tăng nhập khẩu. “Thực tế, từ cuối năm 2019, một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, điều, cà phê đã gặp khó vì đơn hàng xuất khẩu giảm. Đầu năm 2020, các mặt hàng tiêu, điều, cà phê... lại vào niên vụ mới càng gây áp lực lên thị trường tiêu thụ" - ông Lâm nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom) chia sẻ, gặp khó khăn trong xuất khẩu cà phê vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp đã cố gắng tìm thêm nguồn khách hàng từ các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng hiệu quả không cao. Hiện cà phê đang có nguồn cung vượt cầu trên thị trường thế giới, doanh nghiệp buộc phải giảm giá để cạnh tranh nên hiệu quả xuất khẩu không cao.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh, thời gian qua, diện tích các loại cây công nghiệp như: cao su, tiêu, cà phê, điều... bị giảm nhiều. Tuy nguyên nhân là do giá các loại nông sản trên giảm mạnh nhưng diện tích giảm chủ yếu là những vườn cây già cỗi, kém năng suất. Nông dân không nên ồ ạt chặt bỏ các cây trồng trên vì những nông sản này đều có đầu ra tương đối ổn định do đã có ngành chế biến phát triển. Nông dân nên ghép cải tạo, chuyển đổi giống mới để tăng năng suất, tăng giá trị cho những cây trồng này.

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai



Báo cáo phân tích thị trường